Người đàn ông dân tộc Nùng làm kinh tế giỏi

14:02, 11/11/2009

Luôn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nông Văn Cường, người dân tộc Nùng là tấm gương để bà con xóm La Thông, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) học tập.

Với ông, làm giàu cho gia đình mình cũng chính là làm giàu cho quê hương, đất nước, bởi lẽ đó, hơn 10 năm qua ông không ngừng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để có thu nhập ngày một cao hơn.

 

Ở một xóm có tới 100% hộ dân là người dân tộc Nùng như La Thông thì việc một hộ dân dám bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp như ông Cường là rất hiếm. Ông cho rằng: Với nhà nông thì “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nên ông đã đầu tư khoan giếng nước. Nhờ có giếng khoan, gia đình ông đã tập trung thâm canh, tăng từ một thành hai vụ lúa. Nhờ đó, 1 mẫu ruộng của gia đình trước đây mỗi năm chỉ cho  khoảng 1-2 tấn lúa, nay cho 3 tấn lúa. Thóc lúa gia đình sản xuất không chỉ đủ ăn mà còn phục vụ nhu cầu chăn nuôi lợn. Bình quân mỗi năm, gia đình ông chăn nuôi 4 con lợn nái, khi lợn sinh sản, ông để lại toàn bộ số lợn con để nuôi. Thu nhập từ lợn đã mang lại cho gia đình một khoản tiền không nhỏ. Cùng với đó, ông còn nuôi 5 con trâu lấy sức kéo. Phân của lợn và trâu lại là nguồn thức ăn chăn nuôi cá (gia đình hiện có 1.200m2 ao) và chăm bón, cải tạo đồng ruộng, đồi chè của gia đình. Hiện, gia đình ông có 1,2 mẫu chè kinh doanh giống trung du, mỗi lứa cho 80 kg chè búp khô, 1 năm 8 lứa, bình quân cả năm gia đình thu khoảng 960kg chè búp khô (giá bán hiện tại là 45 nghìn đồng/kg)…

 

Cách đây 4 năm, gia đình ông Cường cũng là một trong những hộ dân đầu tiên của xóm phá bỏ khu rừng tạp, kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây keo lai (diện tích rừng này thuộc loại đất rừng sản xuất). Dự kiến khi thu hoạch, 3,2 ha rừng keo lai của gia đình sẽ cho thu khoảng trên 100 triệu đồng.

 

Trong phát triển kinh tế gia đình, những người nông dân như ông Cường không tránh khỏi thất bại, nhưng với ông “thất bại là mẹ thành công”. Qua mỗi lần thất bại là ông lại rút ra nhiều kinh nghiệm, để những loại cây, con ông chọn sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình kinh tế V.A.C ông đã tạo được một vòng tròn khép kín trong phát triển kinh tế: sản xuất lương thực để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi; những phế phẩm từ chăn nuôi lại được sử dụng để cải tạo đất canh tác, góp phần làm sạch môi trường.

 

Ông Cường có rất nhiều dự định cho tương lai, trong đó ông luôn mong muốn nuôi được những lứa lợn “sạch” để cung cấp cho thị trường.