Tuổi cao vẫn nuôi chí làm giàu

10:41, 27/11/2009

Mặc dù tuổi đã gần 70 nhưng ông La Đình Đệ, người dân tộc Tày, xóm Na Rau, xã Phủ Lý (Phú Lương) vẫn chưa nguôi chí làm giàu. Ông xứng đáng là tấm gương cho con cháu noi theo.

 

Năm 1961, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sống và chiến đấu hết mình ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ngày trở về ông đâu biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Một trong bốn người con của ông không may đã bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh, trí tuệ chậm phát triển. Gia đình ông lúc này có 6 khẩu nhưng chỉ trông vào hơn 9 sào ruộng thung lũng bạc màu, một năm cấy 2 vụ lúa chỉ thu được hơn 1 tấn thóc và 13 ha rừng cằn cỗi. Trước thực tế đó, ông đã luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để tận dụng được diện tích rừng vốn có, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê  mình.

 

Nhận thấy diện tích rừng của gia đình lớn, nhưng chủ yếu là rừng tạp với các loại cây: cọ, nứa, vầu… cho thu nhập thấp, năm 1990, ông đã chuyển đổi sang trồng keo lai và bạch đàn. Gần 10 năm sau, diện tích keo của gia đình ông mới cho thu hoạch hơn 40 triệu đồng. Sau khi khai thác, ông tiếp tục trồng, chăm sóc và khai thác tỉa keo, trung bình mỗi năm ông thu được 8 triệu đồng. Đến năm 2004, có chút vốn ông đã  thuê máy ủi mở đường vào rừng, san mặt bằng làm bờ ao, làm 1 cây cầu cứng bắc qua con mương để thuận tiện cho việc đi lại. Diện tích lúa 2 vụ của gia đình không có hiệu quả nên ông cũng đã mạnh dạn chuyển sang làm hồ nuôi cá. Ban đầu, do chưa có kinh  nghiệm chăn nuôi cộng với thiếu vốn đầu tư nên đã không ít lần ông gặp thất bại. Có vụ mưa to, bờ ao nhà ông chưa được be đắp chắc chắn nên bị vỡ, cá tràn khỏi ao, mấy lần ông Đệ trắng tay; cũng có năm cá bị nhiễm bệnh chết mất hơn 2 tạ.

 

Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ ông Đệ nản chí. Ông luôn dành thời gian nghe Đài tiếng nói Việt Nam để kịp thời nắm bắt thông tin, tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tích luỹ kiến thức. Có điều gì chưa rõ, ông lên tận huyện, gặp cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT để xin tư vấn. Năm 2007, gia đình ông đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng thêm 1 chuồng trại chăn nuôi lợn với diện tích 120m2, mỗi năm ông xuất chuồng hơn 4 tấn thịt lợn hơi với giá trung bình 23 nghìn đồng/kg. Ao cá nhà ông rộng hơn 3ha, do biết cách chăm sóc và phòng bệnh đúng kỹ thuật nên cũng cho thu hoạch gần 2 tấn cá/năm, thu về gần 30 triệu đồng. Đến nay thu nhập bình quân của gia đình ông từ trồng rừng, chăn nuôi lợn và thả cá đạt trên 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thời vụ trong xóm với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, ông đã sắm sửa được các tiện nghi sinh hoạt hiện đại như: Ti vi, xe máy… Nhiều năm liên tục gia đình ông đạt danh hiệu Gia đình Văn hoá.