Đó là cô giáo Nguyễn Thị Bằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Phương, Phú Bình người vừa đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cấp tỉnh…
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Bằng kể: Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành mầm non, chị về công tác tại Trường Mầm non Hương Sơn. Năm 1980, thấy trên Phòng Văn hoá Thông tin huyện có treo biển thi tuyển diễn viên chèo, vốn có năng khiếu văn nghệ, chị tham gia và không ngờ mình được tuyển vào Đoàn chèo Bắc Thái. Làm diễn viên được 4 năm, chuẩn bị được giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng để về Đoàn chèo Trung ương thì chị thay đổi quyết định, trở về quê hương làm cô giáo dạy mầm non.
Chị đã về công tác tại Trường Mầm non Nhã Lộng. Từng giờ lên lớp, chị đều chuẩn bị thật chu đáo, sáng tạo. Tất cả nhằm mang đến hứng thú, sự yêu thích các môn học cho học sinh. Với đối tượng giáo dục trong lứa tuổi từ 3-5, các em rất ngây thơ, trong sáng, nên từng giờ học, theo chị phải chuẩn bị chu toàn, tránh sai sót xảy ra. Đồng thời, các cô phải yêu quý, coi các em như con mình, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em, như vậy mới có thể có biện pháp giáo dục phù hợp. Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị tâm sự, nhiều lúc đi ngủ còn mơ thấy đang đứng trên lớp dạy cho các em, có lúc lại giật mình vẫn tưởng đang ở trường dỗ các em khóc, cho các em ăn và tập thói quen tốt… Với chuyên môn vững vàng, sự nhiệt huyết với nghề nghiệp, hàng năm chị liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Năm 1993, chị được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Phương. Với vai trò một nữ cán bộ quản lý, chị hiểu trọng trách của mình vô cùng nặng nề bởi ngoài chức năng là người giáo viên, còn phải mang trên vai nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức tốt các hoạt động của nhà trường. Ban đầu, phòng học của trường là nhà kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các em học sinh ngồi trên những viên gạch để học. Được thăm quan mô hình Trường Mầm non 19-5 của T.P Thái Nguyên, chị Bằng băn khoăn và mong muốn các em học sinh của mình cũng được học trong những phòng học khang trang như vậy. Chị cùng Ban giám hiệu nhà trường đã bàn bạc và báo cáo, tham mưu với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non. Đồng thời, hàng ngày chị cùng các cán bộ chính quyền ở xã, xóm tuyên truyền sâu rộng trong bà con nhân dân, kêu gọi, huy động các cơ sở, doanh nghiệp đóng góp tiền và ngày công xây dựng trường. Đầu năm 2002, ngôi trường mầm non đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ngay sau đó, chị Bằng cùng lãnh đạo nhà trường lên kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm 2003, Trường Mầm non Xuân Phương vinh dự là ngôi trường thứ hai của tỉnh (sau Trường Mầm non Đồng Bẩm-T.P Thái Nguyên) được công nhận là trường chuẩn Quốc gia giai đoạn I.
Do đặc thù Trường Mầm non, các cán bộ giáo viên trong trường đều là nữ, chị Bằng đã động viên, tạo điều kiện tốt cho các giáo viên tự học tập và nâng cao trình độ. Đến nay, 25/25 giáo viên trong nhà trường (chiếm 100%) đều đạt chuẩn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chung, chị có nhiều biện pháp giúp tập thể nhà trường luôn đoàn kết, thực hiện đúng trọng trách được giao. Chị đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt hiệu quả như: “Dạy tốt, học tốt”; “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Chị luôn dành thời gian tâm sự, truyền đạt kinh nghiệm dạy học cho các giáo viên trẻ. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chị cùng các giáo viên ở trường đã sáng tạo ra nhiều đồ chơi gần gũi cho trẻ.
Khéo léo sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để hoàn thành nhiệm vụ ở trường, về nhà chị Bằng lại đảm đang trong vai trò của người vợ hiền, người mẹ mẫu mực. Hiện, hai con chị đều đã trưởng thành, một là sĩ quan quân đội nhân dân, một là giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh. Ngoài ra, chị vẫn dành thời gian hỗ trợ cho xưởng mộc của chồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc vườn cây, ao cá, nâng cao thu nhập…