Ở cương vị Hiệu trưởng của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), làm quản lý bận rộn, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nông Quốc Chinh vẫn luôn gắn bó, gần gũi với anh chị em cán bộ, giảng dạy, sinh viên trong trường.
Ông sống hoà nhã, giản dị, chân thành và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh. Ông tâm sự: Đã làm thầy thì phải tận tuỵ với chuyên môn, nhiệt tình với đồng nghiệp và làm hết trách nhiệm với sinh viên. Như vậy cũng là cơ hội tốt để mình truyền đạt lại cho các thế hệ sau kiến thức mình đổi bằng mồ hôi thời trẻ.
Sinh năm 1956 tại vùng đất Chiềng Pấc (Sơn La), cha mẹ đều phục vụ trong quân đội, nên ông được gửi vào Trường nội trú Bế Văn Đàn, Quân khu Tây Bắc học chữ. Ông Kể: Trường cách nhà gần ba chục cây số, mỗi lần nhớ cha mẹ, về thăm, toàn đi bộ. Học lên cấp III mẹ mua cho cái xe đạp, cuối tháng lại về lấy gạo, muối… sinh hoạt kham khổ, nhưng mình quyết học thật giỏi để làm một người tốt, đồng thời làm gương cho 3 người em trong nhà.
Ông mê môn toán, lý, hoá và học đều các môn khác. Đèn sách 10 năm trên vùng Tây Bắc, Năm 1973, Nông Quốc Chinh, người thanh niên dân tộc Tày thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên. 4 năm sau đó, ông tốt nghiệp và được giữ lại trường làm giảng viên. Để đáp ứng nhiệm vụ được giao, ông theo lớp học sau đại học tại Khoa Toán, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, chuyên ngành Đại số hiện đại. Rồi ông được lãnh đạo cử đi nghiên cứu sinh ngành Toán tại Brno Cộng hoà Sec (1989-1994). Đề tài Luận án Tiến sĩ "Bó của các dạng Contact" chuyên ngành Tôpô và hình học của ông được Hội đồng bảo vệ Luận án đánh giá cao.
Trở về Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên công tác, ông tiếp tục làm giảng viên. Nhờ tích cực phấn đấu, rèn luyện ông được Nhà trường bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Toán; rồi Trưởng Phòng Đào tạo-Khoa học và Quan hệ quốc tế; tiếp đến là Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội. Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Đặc biệt từ sau tách khỏi Trường Đại học Sư Phạm (2002), ở vị trí Trưởng khoa Khoa học tự nhiên, ông một lần nữa khẳng định vai trò của mình, đó là việc tập hợp, xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy (CBGD) có tinh thần đoàn kết, từng bước đưa Khoa trở thành Trường Đại học Khoa học có uy tín như hiện nay, với 230 CBGD, tăng gần 180 người so với năm 2002, trong đó có 2 Phó Giáo sư, 11 tiến sĩ, 82 thạc sĩ… 34 CBGD của Trường đang là nghiên cứu sinh. Hiện Trường có 3.500 sinh viên; 130 học viên và 2 nghiên cứu sinh đang theo học. Riêng năm học 2009-2010 này, Trường thực hiện tuyển sinh được 845 sinh viên; hệ sau đại học tuyển được 71 học viên, gấp 2 lần so với năm 2008.
Trong công tác quản lý, ông có nhiều biện pháp đổi mới như việc sử dụng cán bộ, như khuyến khích, tạo điều kiện cho CBGD đi học nâng cao nghiệp vụ. Trong nghiên cứu khoa học, ông làm cộng tác viên của 2 đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản cấp Nhà nước của Viện Toán học; từ năm 2001 đến nay, ông chủ trì 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, các đề tài này đều được Hội đồng Khoa học đánh giá cao. Công việc nhiều, nhưng ông còn là thành viên Hội đồng dự thảo khung chương trình và chương trình chi tiết ngành Toán của Dự án đào tạo giáo viên THCS. Ông đồng tác giả giáo trình "Đại số tuyến tính", Nhà xuất bản Giáo dục năm 2003; là tác giả cuốn "Tôpô đại cương", Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội và là tác giả 2 cuốn giáo trình giảng dạy chuyên ngành Toán…
Nhờ có sự cống hiến, đóng góp tích cực cho ngành Giáo dục, vì thế ông liên tục nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Bộ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2006. Cũng trong năm này, ông vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Quá trình công tác, ông còn được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo…