Sau 14 lần bị gẫy chân, Phạm Văn Tuyên thôn Tân Tiến, xã Tân Quang (T.X Sông Công) đã vượt lên chính mình bằng nghị lực và bằng niềm đam mê hội hoạ...
Hiện nay, Tuyên đang là sinh viên lớp K2, Khoa Hội hoạ, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc. Trong giờ thực hành vẽ chân dung, các bạn cùng lớp đứng bên giá vẽ, riêng Tuyên được phép ngồi ghế. Thầy Nguyễn Lộc, giáo viên chủ nhiệm lớp nhận xét: Suốt 3 năm nay tôi luôn theo sát tình hình học tập của Tuyên, năm nào em cũng đạt học lực khá.
Không giống như những cậu bé khác, tuổi thơ của Tuyên ở bệnh viện nhiều hơn thời gian ở nhà. Lên một tháng tuổi, Tuyên bị gẫy xương đùi… Năm lên ba tuổi, Tuyên bị gẫy chân 2 lần. Đến tuổi đi học, bạn bè cùng lứa được cắp sách tới trường, còn Tuyên cả ngày chỉ lết đi, lết lại quanh sân, tìm hòn gạch non vẽ ông mặt trời, con gà gọi bình minh.
So với chúng bạn, Tuyên đến trường muộn một năm, nhưng những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất, Tuyên liên tục bị gẫy xương chân. Vậy nhưng sau những lần gẫy chân, bó bột vừa lành, Tuyên lại mê mải học để bù vào cho hôm nghỉ. Bù đắp lại thiệt thòi của cậu bé tật nguyền, liên tục trong 12 năm học, Tuyên đều đạt học sinh giỏi… Ngay sau tốt nghiệp PTTH, Tuyên thi đỗ vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc. Từ đây, Tuyên bắt đầu với cuộc sống tự lập, con đường đến trường của em không còn nhờ trên lưng mẹ, hay phía sau xe đạp của bố, mà bằng chính đôi chân teo quắt được hỗ trợ bằng đôi nạng gỗ.
Đoạn đường từ phòng trọ đến lớp học chừng 700 mét, hằng ngày có các bạn cùng lớp thay nhau đèo đi. Với Tuyên, bài học đầu tiên trước khi bước vào giảng đường là những buổi tập đi, tập leo cầu thang. Mới đầu, chân, tay có khi bị đau tới tê dại, Tuyên muốn bật khóc vì cực nhọc, vì tủi thân trước những ánh mắt thương mến của các bạn cùng trường. Tuyên bảo: Dù sao, em cũng là một thanh niên, em có lòng tự trọng, nhất là trước mắt các bạn gái, em quyết tâm tập luyện để sau này em đứng được trên đôi chân của mình. Mà trong cuộc đời, có thành công nào giành được không phải đổi bằng mồ hôi.
Thầy Lộc tâm sự: Khi nhận làm chủ nhiệm lớp này, biết trong lớp có 1 sinh viên tật nguyền, tôi lo lắng rất nhiều. Nhất là khi lớp học được Nhà trường bố trí trên tầng 3, hơn nữa khoa Hội họa thường xuyên phải đi thực tế hàng tháng trời, liệu Tuyên có theo kịp các học phần như quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo… Song, chính Tuyên đã chứng minh cho tôi và các bạn cùng lớp thấy được bản lĩnh của mình, đó là những buổi đi thực tế, những giờ dã ngoại thực hành vẽ phong cảnh ngoài trời, Tuyên đều tự đi lại trên đôi nạng gỗ, nghiêng ngả và có những bức ký hoạ được thầy giáo và các bạn cùng học đánh giá cao. Cách đây ít tháng, khi lớp đi thực tế vẽ phong cảnh ở xã Yên Ninh (Phú Lương), tranh của Tuyên được thầy trò trong lớp chọn tặng lại cho UBND xã. Hiện bức tranh đó vẫn được treo trong hội trường của xã.