Ở một xã vùng cao nghèo như Quy Kỳ (Định Hóa), việc người nông dân Lưu Đức Chiều, xóm Khuân Câm dám đầu từ hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại để nuôi lợn ngoại thật đáng nể phục.
Đến thăm trang trại của ông Lưu Đức Chiều trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông cùng đội thợ xây đang tất bật vận chuyển vật liệu để tiếp tục xây dựng thêm khu trại mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông cho biết: Khu chuồng được xây dựng trên diện tích 480 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng, sau khi hoàn thành sẽ có khả năng nuôi từ 350 đến 400 con lợn thịt. Khi ấy, dự tính trang trại của ông sẽ nuôi được khoảng 800 con lợn thịt mỗi lứa.
Sinh ra trên quê lúa Thái Bình, lên 11 tuổi (năm 1965) ông đã cùng gia đình lên khai hoang lập nghiệp mảnh đất vùng cao này. Diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông có trên 2 mẫu, nhưng lại lầy thụt, canh tác lúa không hiệu quả. Không cam chịu cảnh nghèo, ông chuyển sang trồng mầu và bắt đầu chăn lợn từ những năm 1980, tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt, mỗi lứa ông nuôi dăm ba con. Thấy chăn nuôi có hiệu quả, ông dần mở rộng quy mô đàn lợn. Đầu năm 2002, ông còn trồng thêm 200 gốc măng Bát độ ven suối gần nhà và nuôi từ 40 đến 50 con dê lai
Nhận thấy nếu chỉ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ sẽ chỉ đủ ăn, không thể vươn lên làm giàu được, sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 2006 ông Chiều quyết định đầu tư chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại. Số tiền tích lỹ được ông đầu tư xây dựng 3 khu chuồng, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Giống lợn ông chọn chăn là giống lợn thường, nhập chủ yếu từ Phú Bình và Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Đầu năm 2007, đàn lợn của ông đã tăng lên khoảng 200 con lợn thịt. Nhưng công việc chăn nuôi đã không thuận lợi như ông dự kiến, do không nắm bắt rõ về kỹ thuật chăm sóc và phòng dịch, giống lợn lại xuất sứ từ nhiều nguồn gốc, không có sự kiểm duyệt chặt chẽ nên đầu cuối năm 2007, đàn lợn của ông bị mắc bệnh tả cùng một lúc. Ông kể: Cả tuần chạy chữa, mất bạc triệu tiền thuốc, mời cả cán bộ thú y trên huyện về giúp cũng không có tác dụng. Kết quả, 180 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng của ông bị chết, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Khi ấy, tôi cứ như là người mất hồn, hàng tháng trời chẳng làm được việc gì, cả gia tài gần như mất trắng.
Thế rồi, ngồi suy nghĩ lại, tìm ra nguyên nhân vì sao mình thất bại, ông Chiều lại quyết định tiếp tục chăn nuôi lợn. Để có tiền đầu tư, ông đã bán hết 200 gốc măng Bát độ và 50 con dê lai, đồng thời vay mượn thêm của họ hàng. Rút kinh nghiệm sau thất bại, ông chủ động dành thời gian tham quan các mô hình trang trại nuôi lợn thành công ở trong và ngoài tỉnh từ cách bố xây dựng, chọn con giống, chăm sóc và phòng bệnh…, đồng thời trau dồi những kiến thức mới về thú y.
Để đảm bảo chất lượng giống, ông chọn nuôi 50 con lợn nái ngoại và tiêm phòng nghiêm ngặt, toàn bộ lợn con sinh sản được ông giữ lại nuôi thành lợn thịt, thức ăn cho lợn cũng được ông lựa chọn ở những công ty uy tín. Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, toàn bộ chất thải từ lợn được ông xử lý bằng hầm Bioga. Đầu năm 2009, ông tiếp tục đầu tư xây dựng ao cá rộng 2.500 m2, trị giá 80 triệu đồng, nhằm tận dụng phụ phẩm trong chăn nuôi, phân chuồng đã qua xử lý ông sử dụng để bón cho hơn 1 mẫu cây mầu.
Đến nay, từ 3 chuồng nuôi ban đầu, ông đã mở rộng thành 6 chuồng với 70 con lợn nái và khoảng 400 con lợn thịt mỗi lứa. Điều đặc biệt, từ khi xây dựng chuồng trại mới, chú ý đến công tác thú y, đàn lợn của ông không hề có dịch bệnh. Ông Chiều nhẩm tính: Trong năm 2009, ông xuất khoảng 70 tấn lợn thịt, giá bán trung bình là 32 nghìn đồng/kg, trừ 1,5 tỷ đồng tiền thức ăn và các chi phí khác, ông cũng thu lãi được 300 đến 400 triệu đồng. Từ số tiền thu lãi này, ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài 4 lao động trong gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động ở địa phương với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm của bản thân, ông Chiều kết luận: Muốn thành công trong chăn nuôi, cần phải nắm bắt được kỹ thuật, đặc biệt là những kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, quan trọng hơn là lòng kiên trì, dám nghĩ dám làm để thực hiện ý tưởng của mình .