Tạo niềm tin bằng việc làm thiết thực

11:15, 27/01/2010

Hết lòng vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân, luôn đi đầu trong mọi phong trào, tích cực phát triển kinh tế gia đình… Đó là Bí thư chi bộ 20, Thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) Hà Như Sơn.

 

Trong cái lạnh tê người của những ngày tháng Chạp, chúng tôi tìm đến nhà của đảng viên Hà Như Sơn. Đúng như dự đoán ban đầu, đồng chí Sơn không có nhà. Trò chuyện cùng anh Vinh, cán bộ của thị trấn Chùa Hang, tôi mới biết ông Sơn từng tham gia quân ngũ ở Phú Thọ, năm 1992, xuất ngũ, ông trở về địa phương và tham gia công tác của tổ dân phố từ đó. Trước khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Sơn từng là Trưởng ban Bảo vệ của tôt dân phố, Tổ trưởng Tổ Đảng. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của ông, Chi bộ đã liên tục 10 năm đạt trong sạch, vững mạnh.

 

Ngồi chưa ấm chỗ thì đồng chí Sơn về, biết ý định của chúng tôi, ông lắc đầu bảo: “Tôi không có thành tích gì nổi bật đâu”. Là ông Sơn nói thế nhưng những gì người đảng viên này đã làm đều được bà con nơi đây ngợi khen. 5 năm tham gia công việc của tổ dân phố và 10 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Sơn gặp vô vàn khó khăn nhưng cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là khi mới về đây, tổ dân phố của ông không có điện, các hộ dân mạnh ai người ấy mắc điện, có những người sử dụng dây trần kéo điện, dùng cột bằng tre để treo dây điện nên rất nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Thấy vậy, ông đã huy động mọi người cùng đóng góp tiền để làm đường điện. Vậy là năm 1995, người dân nơi ông Sơn sinh sống đã được sử dụng nguồn điện ổn định để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt nên ai cũng tin tưởng và yêu mến người đảng viên tâm huyết này.

 

Ông Sơn tâm sự: “Khó nhất với mỗi đảng viên là làm gì để cho nhân dân tin tưởng và yêu mến mình”. Trăn trở đó đã khiến ông lăn lộn, nhiệt tình với công việc mà không ít người cho rằng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Gần đây nhất (năm 2007) là việc ông vận động đảng viên trong Chi bộ và quần chúng nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng nhà văn hóa. Ông bộc bạch: Cuộc sống của hơn 60 hộ dân nơi đây vẫn còn khó khăn lắm! Bởi thế mình phải tính toán để làm sao xây được nhà văn hóa có giá trị cao mà mức đóng góp tiền của nhân dân không quá lớn.  

 

Khi đưa việc xây nhà văn hóa ra bàn bàn, đã có nhiều ý kiến bàn lùi là chỉ cần xây một ngôi nhà văn hóa cấp 4 giản đơn. Nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục của ông Sơn, các đảng viên và quần chúng nhân dân nơi đây đã đi đến thống nhất: mỗi khẩu đóng góp 150 nghìn tiền mặt, riêng các đảng viên đóng góp thêm 100 nghìn đồng để mua vật liệu xây dựng; các hộ dân cử người tham gia ngày công lao động để san gạt, tôn tạo mặt bằng xây dựng. Riêng ông Sơn đã liên hệ với một số doanh nghiệp để xin đất đổ vào khu vực xây dựng nhà văn hóa vì đây là khu ruộng thụt sâu 4 đến 5m. Có mặt bằng, vật liệu xây dựng, ông Sơn mất 3 tháng trời lăn lộn, giám công trình và giải quyết các công việc liên quan. Nhà văn hóa trị giá 150 triệu đồng hoàn thành (trong đó người dân chỉ phải đóng góp khoảng 80 triệu đồng) càng tạo cho bà con niềm tin, sự kính trọng vào Bí thư Chi bộ Hà Như Sơn.

 

Không chỉ hết lòng với công việc chung, ông Sơn còn là một tấm gương vượt khó trong phát triển kinh tế gia đình. Bà Lê Thị Đường, vợ ông cho biết: Sau 20 năm tham gia quân ngũ tại Phú Thọ, năm 1992, chồng tôi về nghỉ mất sức. 3 năm sau tôi cũng nghỉ hưu (chúng tôi cùng công tác ở một đơn vị - Quân khu 2) và cùng chồng về quê lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Lúc đó, vợ chồng tôi phải ở chung nhà với người anh trai. Ông Sơn tiếp lời vợ: Là đảng viên thì không được để gia đình mình nghèo đói. Có như thế mới vận động được quần chúng nhân dân tích cực xóa đói nghèo. Hơn nữa, tôi luôn trân trọng những tình cảm mà các đảng viên, bà con nhân dân nơi đây đã dành cho sau ngày tôi trở về quê hương trong cảnh không nhà, không tiền. Bí thư Chi bộ lúc ấy là đồng chí Nguyễn Sơn Hải đã tổ chức cuộc họp vận động các đảng viên quyên góp tiền cho gia đình tôi vay để phát triển kinh tế gia đình. Nhận được ân tình ấy và với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông chẳng quản mưa nắng lặn lội buôn bán, chăn nuôi để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học.

 

Đến năm 2002, vợ chồng ông Sơn đã mua đất, xây được ngôi nhà cấp 4 để mở quán bán hàng ăn sáng, nấu rượu và chăn nuôi lợn quy mô khá lớn (khi tổ dân phố chưa có nhà văn hóa thì ngôi nhà này là nơi tổ chức các buổi họp của tổ, của chi bộ…). Năm 2005, gia đình ông đã xây được khu chuồng trại nuôi lợn trị giá 50 triệu đồng, hầm khí bioga 5 triệu đồng. 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 100 con lợn, bán hàng ăn sáng, nấu rượu thu nhập đạt trên dưới 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, 3 người con của ông đều học hành đến nơi, đến chốn. Cô con gái cả theo nghề y, cô thứ hai theo học ngành Luật, còn cậu con trai út đang theo học tại một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội.

 

Ông Sơn cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của mình là làm được nhiều việc tốt, được nhân dân tin yêu và con cái chăm ngoan, trưởng thành. Và suy nghĩ ấy sẽ là động lực để đảng viên Hà Như Sơn tiếp tục cống hiến cho quê hương.