Anh là Lê Danh Thắng, xóm 4 Yên Ninh, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên). Hình ảnh một người đàn ông tỉ mẩn chụp từng chiếc bao lưới cho những bông hoa vào lúc đúng giữa trưa khiến nhiều người tò mò. Người dân quanh xóm cho biết: Anh thường xuyên làm việc quên cả nghỉ trưa, bởi thế chỉ với 5 sào ruộng, anh có thể đem lại cuộc sống khá giả cho cả gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Yên Ninh này, hơn ai hết anh Thắng rất hiểu mảnh đất và con người nơi đây, không phải nghèo vì đất đai không màu mỡ mà vì chưa biết cách thâm canh có hiệu quả. Cũng như bao gia đình khác trong xóm, trước đây gia đình anh luôn phải sống trong thiếu thốn. Sau 2 năm đi nghĩa vụ quân sự, năm 1988, anh trở về địa phương với ước vọng làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của cha ông. Với bản chất chịu thương chịu khó, anh lặn lội khắp nơi, ở đâu có mô hình trồng cây gì hay anh cũng đều ghé thăm. Sau những chuyến đi ấy, anh học được những kiến thức về chiết ghép các loại cây trồng. Thấy một số mô hình trồng táo có hiệu quả kinh tế khá, năm 1989, anh vào Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên lấy giống táo về trồng. Sau đó anh cải tạo khu vườn rậm rạp toàn những tre với nứa để trồng táo và đã trồng được trên 60 cây. Đến khi táo lớn, anh mua hạt táo dại về ghép ươm cây con để bán táo giống cho bà con quanh vùng. Quá trình chiết, ghép, ươm táo với anh thật chẳng dễ dàng bởi không được đào tạo dù chỉ là lớp tập huấn ngắn ngày, nên những kiến thức sơ đẳng nhất về cây cũng đều do anh tự mày mò, đọc sách, báo và học lỏm của những người làm trước. Chính vì vậy, trong quá trình làm anh không tránh khỏi thất bại, đã có lần gần nghìn cây táo con sau khi ươm bị hỏng gần hết. Sau những thất bại ấy, anh lại rút ra được nhiều kinh nghiệm để làm nên thành công trong những lứa sau. Nhờ bán táo quả và táo giống, có năm anh thu nhập gần 50 triệu đồng.
Đến năm 1993, táo khó bán, giá rẻ chỉ còn 1.000 đồng/kg, anh Thắng đốn bỏ táo chuyển đổi sang trồng hoa vụ đông, các vụ khác anh trồng rau. Cả rau và hoa đều là những cây trồng khó tính, hay nhiễm sâu bệnh, do vậy đòi hỏi người trồng phải thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây. Vì hiểu rõ điều này nên anh Thắng luôn cần mẫn chăm bẵm từng mầm cây. Một ngày của anh bắt đầu từ rất sớm, 5 giờ sáng đã có mặt ngoài đồng và làm việc cho đến tận giữa trưa mới về nhà ăn cơm. Ngả lưng chốc lát anh lại tay cuốc, tay xô ra đồng xới đất, tưới cây. Sự cần cù của anh không bao giờ là thừa, ruộng rau của gia đình lứa nào lứa nấy xanh non mơn mởn, những bông hoa do anh trồng cũng luôn mập mạp, tươi thắm rất dễ bán và được giá. Mỗi sào đất của gia đình anh một năm trồng 6 lứa rau và 1 lứa hoa, cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà vừa được sửa sang lại khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, anh Thắng cho biết thêm: Toàn bộ vốn liếng của gia đình tôi là 5 sào ruộng, nếu không chịu khó thì cơm còn chẳng đủ ăn nói gì đến lo cho 3 con ăn học… Hiểu được nỗi vất vả của bố, 3 con anh đều chịu thương chịu khó, học giỏi, trong đó 2 cháu hiện đang là sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên.