Đó là chị Vũ Thị Châm Oanh, công nhân kỹ thuật Phân xưởng tuyển khoáng - Mỏ than Phấn Mễ (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Là nữ công nhân có thâm niên gắn bó với công việc tuyển than nặng nhọc, chị Oanh đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm cần thiết trong hoạt động lao động sáng tạo.
Vượt lên trên cái “thường tình” của nữ nhi, chị đã dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu để bắt nhập được với những thay đổi của công nghệ tiên tiến, tìm tòi có sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị. Một trong những sáng kiến đầu tiên của chị được áp dụng vào sản xuất chính là phương thức “Nhặt đá to quá cỡ trên băng tải” tuyển than. Đây là sáng kiến có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với phân xưởng của chị mà với toàn đơn vị vì chính phương thức này đã giúp tăng tuổi thọ của hệ thống máy nghiền và nâng cao chất lượng sản phẩm than tinh chế. Năm 2003, sau khi thành công với sáng kiến cải tiến trên, chị Oanh (lúc này là Trưởng Ban nữ công của phân xưởng) đã mạnh dạn xin ý kiến lãnh đạo Mỏ, bàn với toàn thể chị em lấy công trình “Nhặt đá to quá cỡ trên băng tải” làm công trình giải quyết việc làm của nữ công. Từ đó đến nay, qua phương thức này, ước tính chị em công nhân Phân xưởng tuyển khoáng đã tuyển ra được trên 5.600 tấn đất đá các loại còn lẫn trong than. Không dừng lại ở đó, năm 2009 chị tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt sáng kiến mới: “Làm phễu rót đá từ vị trí nhặt đá quá cỡ trên băng tải ra bãi chứa”. Đây là sáng kiến có giá trị tiết kiệm, giảm thiểu công lao động của công nhân trong quá trình vận chuyển đá từ băng tải ra bãi chứa.
Ở tuổi 45, công việc ở Mỏ bận rộn, nhưng với sự sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý, chị vẫn tổ chức tốt công việc gia đình, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, tạo điều kiện làm việc, học tập cho các thành viên trong gia đình. Ngoài thời gian ở khai trường và công việc nội trợ gia đình, chị làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Được sự giúp đỡ của Ban nữ công Mỏ, chị đã mạnh dạn vay vốn từ “Quỹ hỗ trợ nữ công nhân viên chức phát triển kinh tế gia đình” để mua cây chít về đan chổi bán. Mặc thù thu nhập từ nghề phụ này chưa cao nhưng cũng giúp gia đình chị phần nào vơi bớt khó khăn, phụ thêm vào chi phí học hành cho các con. Cũng xuất thân từ công nhân thường xuyên làm việc trên khai trường, chồng chị, anh Phí Văn Minh rất thấu hiểu và cảm thông với công việc và lòng say nghề của chị nên cũng đỡ đần thêm việc gia đình cho vợ. Được sự chăm lo của người mẹ, người cha, hai đứa con chị đã có điều kiện học hành nâng cao trình độ. Đứa lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đứa út đang học tại Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.
Với những cống hiến cùng sự phấn đấu không mệt mỏi của mình, chị đã được đón nhận nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc. Năm 2005, chị được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm (2001-2005); giai đoạn 2006-2008, chị được công nhận thợ giỏi tay nghề cấp Công ty; năm 2007, chị được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình tiêu biểu…