Vừa hết tiết dạy ở Trường Tiểu học Định Biên (Định Hoá) trở về, thầy giáo Lương Anh Tuấn lại xăm xắn ngay vào việc chăm sóc vườn cây, ao cá... Vừa làm thầy Tuấn vừa vui vẻ nói với chúng tôi: Ngoài thời gian dạy học ở trường, 2 vợ chồng tôi mạnh dạn phát triển kinh tế VAC, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Được biết, hiện anh Tuấn đang là ông chủ của một rừng keo rộng 7.000m2 và 5 sào ao thả cá cùng đàn lợn trên 30 con lợn thịt và lợn nái mỗi nắm cho thu nhập trên 100 triệu đồng…
Sinh năm 1976, tại xóm Làng Quặng, xã Định Biên trong một gia đình nhà nông. Năm 1996, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, ra trường anh Tuấn về công tác tại xã Lam Vỹ, cho đến năm 2000 về dạy tại trường Tiểu học Định Biên. Vốn năng nổ, nhiệt tình lại có năng khiếu văn nghệ, khả năng tập hợp, thu hút phong trào nên năm 2002, ngoài dạy học thầy còn kiêm nhiệm làm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Định Biên. Thầy vừa hoàn thành nhiệm vụ của một người giáo viên đồng thời luôn đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi cấp huyện. Trước đây, Trường Tiểu học Định Biên có phong trào hoạt động Đội rất trầm vì học sinh ở đây vốn nhút nhát, ngại giao tiếp và tham gia các hoạt động đoàn thể. Trước tình trạng đó, thầy Tuấn đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm và đội ngũ cán bộ cốt cán để phát hiện, tập hợp học sinh tham gia hoạt động Đội, có khuyến khích biểu dương kịp thời nên các em tham gia rất nhiệt tình... 5 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Tuấn đều đạt danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện, đưa phong trào hoạt động Đội của Trường Tiểu học Định Biên ngày một đi lên, Trường liên tục đạt danh hiệu Liên đội mạnh cấp huyện. Với những thành tích đã đạt được, năm 2008, thầy Tuấn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ngoài thời gian công tác ở Trường, thầy Tuấn còn mạnh dạn làm kinh tế gia đình. Năm 2004, khi đó với diện tích ao nhà chỉ khoảng 360m2 không thuận lợi cho thả cá nên thầy đã đấu thầu 5 sào hồ Thâm Pạp trong rừng Đồng Thịnh để thả các loại cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đầu năm 2009, diện tích ao thả của gia đình được mở rộng lên 5 sào, thầy cho thả các loại cá như chép, trôi, trắm… Ước tính sẽ cho thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng/năm. Tận dụng diện tích ao thả cá, thầy Tuấn học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, sản xuất giỏi ở địa phương và mua trên 200 con gà, vịt chăn thả từ tháng 5/2009. Đến nay, mỗi ngày đàn gà và vịt cho gia đình thu từ 140-150 quả trứng, với giá 2 nghìn đồng/quả, mỗi ngày lãi trên dưới 300 nghìn đồng. Trước đây thầy Tuấn chỉ chăn lợn nái, hiện thầy mở rộng chăn cả lợn thịt, với số lượng trên 30 con. Mỗi ngày, hai vợ chồng thầy dậy sớm từ 5 giờ, làm các công việc gia đình và thu nhặt trứng cẩn thận chu đáo chờ giao cho các chủ lò ấp rồi lên lớp. Hơn 7.000m2 diện tích keo lai của gia đình thầy đã cho thu tỉa bước đầu khá hiệu quả. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất thông qua trên sách, báo, truyền hình và bạn bè đi trước làm kinh tế VAC thành công ngoài xã Bảo Cường, thầy Tuấn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuậtn vào phát triển kinh tế gia đình, đến nay mô hình kinh tế VAC của thầy Tuấn đã bước đầu cho hiệu quả. Theo tính toán của thầy Tuấn, mỗi năm gia đình thầy có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
Thời gian tới, thầy Tuấn có dự định sẽ mở rộng diện tích trồng keo, đầu tư mở rộng chăn nuôi với quy mô trang trại lớn.