Ngay từ khi sinh ra đã bị mù nhưng chị La Thị Lan, xóm Bản Hóa, xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã không cam chịu số phận. Bằng nỗ lực của bản thân, đến nay chị đã đọc thành thạo chữ nổi, tham gia lao động và trở thành người có ích cho xã hội.
Số phận không may mắn.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp gặp chị La Thị Lan tại nhà riêng khi chị vừa có chuyến đi biểu diễn kéo dài 9 tháng ở Hà Nội theo đoàn của Trung tâm phát triển văn hóa Côn Sơn (Hải Dương). Chị vui vẻ kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm trong những ngày đi biểu diễn xa nhà. Chị chia sẻ: Tuy gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ trong sinh hoạt và biểu diễn, nhưng chị rất vui vì có thể cống hiến sức lao động của mình cho xã hội.
Ông La Công Tàng (bố của chị Lan), sinh năm 1940, vốn là một chiến sĩ công binh thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 559, chiến đấu ở chiến trường Nam Lào từ năm 1966 đến 1972. Năm 1972, người thương binh La Công Tàng xuất ngũ trở về địa phương với những mảnh đạn còn ở lại trong đầu với mức thương tật 2/4, cùng với đó là những di chứng ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Trong số 5 người con của ông Tàng duy nhất người con gái thứ 4 là chị Lan (sinh năm 1976) bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Khi mới sinh ra, chị đã không có khả năng nhìn thấy mọi vật, thêm nữa thường xuyên bị sưng, đau các khớp xương và dị ứng toàn thân, quanh năm phải sống cùng với thuốc. Kinh tế gia đình tuy khó khăn nhưng ông Tàng đã chạy chữa khắp nơi mong cho con lành bệnh. Ông kể: muốn con khỏi bệnh, ông đã bán cả những vật dụng quý nhất trong nhà để đưa con về Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên chạy chữa 2 tháng liên tục, rồi các thầy thuốc nam có tiếng trong và ngoài tỉnh cũng được ông tìm đến cậy nhờ, nhưng đều không có hiệu quả. Chị Lan tâm sự: Khi đã bắt đầu biết nhận thức, thấy bạn bè cùng trang lứa í ới gọi nhau đi học, tôi chỉ biết lặng lẽ ngồi khóc, cảm thấy mình là người bất hạnh nhất trên đời... Mặc cảm với số phận, chị luôn sống khép mình, chẳng mấy khi ra ngoài, chiếc đài cũ kỹ mà bố mang từ chiến trường về là người bạn duy nhất của chị.
Nỗ lực để trở thành người có ích
Cuộc sống của chị Lan có lẽ sẽ mãi trầm lặng trôi đi như vậy nếu không có một điều kỳ diệu xảy ra: Năm 2007, chị được kết nạp vào Hội Người mù của huyện Định Hóa. Sinh hoạt trong Hội, chị lạc quan hơn vì thấy nhiều người thậm chí còn bất hạnh hơn mình vẫn vui vẻ sống có ích. Ngay sau đó, chị được các cô chú trong Hội tạo điều kiện cho đi học chữ nổi tại Trung tâm Dạy nghề tin học tỉnh Thái Nguyên. Chị cho biết: Lần đầu tiên đi xa nhà một mình, chị rất bỡ ngỡ, lại thêm khó khăn trong đi lại và sinh hoạt. Khi chị bắt đầu học chữ nổi, từ những con chữ được thể hiện bằng những dấu chấm, rồi cách đọc bằng tay đều rất lạ lẫm. Học chữ đã khó, chị lại luôn bị căn bệnh đau xương khớp hành hạ. Nhưng thấy những người thậm chí hơn tuổi mình còn theo học được, vậy là chị cố gắng, quyết tâm qua từng buổi học, cộng thêm được sự chỉ bảo tận tình của giáo viên ở Trung tâm, qua 6 tháng theo học, chị đã nhận biết được hết các mặt chữ, đọc được những bài thơ, mẩu truyện bằng chữ nổi. Không chỉ cần mẫn học chữ, chị còn tích cực tham gia các buổi văn nghệ của lớp, đóng góp những bài hát mà mình đã quá quen thuộc qua các chương trình phát sóng trên đài.
Cũng nhờ chị tích cực tham gia các hoạt động tập thể mà Trung tâm phát triển văn hóa Côn Sơn (Hải Dương) phát hiện ra năng khiếu ca hát và mời chị tham gia biểu diễn và chị là 1 trong 3 người của lớp học ở Trung tâm Dạy nghề tin học tỉnh Thái Nguyên tham gia cùng đoàn. Chị kể: năm 2008, khi mới bắt đầu xuống Hà Nội cùng đoàn, chị bị ốm cả tháng, đã định rời khỏi đoàn để về với gia đình, nhưng được cô trưởng đoàn động viên, giúp đỡ nên chị đã quyết tâm ở lại. Hăng say tập luyện và biểu diễn, chị tìm thấy niềm vui qua mỗi bài hát mà mình thể hiện cho mọi người nghe. Không những vậy, chị còn tham gia diễn kịch và đóng tiểu phẩm. Mỗi buổi biểu diễn như vậy chị được trả thù lao từ 40 đến 50 nghìn đồng, số tiền tuy nhỏ nhưng là niềm an ủi lớn đối với chị, bởi chị cảm thấy mình đã sống có ích, có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị khoe thêm: “Giờ mình đã biết gọi và nhắn tin bằng điện thoại di động rồi, còn đọc thì phải nhờ mọi người đọc giúp, nó giúp mình liên lạc với gia đình mỗi khi nhớ nhà”.
Chia tay, chị Lan còn đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống mà mình mới sáng tác khi đi biểu diễn xa nhà. Chị cho biết, năm 2010, chị dự định sẽ theo học một lớp dạy xoa bóp, bấm huyệt ở Thái Nguyên để mong sẽ tìm được một công việc ổn định.