Tháng 10/1970, ông Lê Thanh Mai (tổ dân phố số 4, thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) vinh dự được kết nạp vào Đảng khi đang là một chiến sĩ giải phóng miền Nam. Đó là phần thưởng của Đảng, Nhà nước cũng như Quân đội dành cho ông sau nhiều trận công đồn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Nhìn những tấm Huân, Huy chương, Bằng khen treo ngay ngắn trên tường nhà, nhiều tấm đã ngả màu thời gian... Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, từ vùng đất nghèo xã Quang Hưng (Kiến Xương - Thái Bình), cậu học trò 17 tuổi Lê Thanh Mai viết đơn tình nguyện vào mặt trận miền Nam chiến đấu. Vì chưa đủ tuổi đi bộ đội, nên Mai viết đơn tình nguyện bằng máu. Các “chú” chỉ huy ở Tiểu đoàn 68 Thái Nguyên về nhận quân, thấy vậy đã “châm trước”, nên Mai trúng tuyển và cùng những người lính hành quân lên vùng đất Lục Ba (Đại Từ). Sau 3 tháng thao trường, đơn vị nhận lệnh hành quân vào đến tỉnh Thanh Hoá, rồi từ đây toàn đơn vị hành quân hướng về nơi có tiếng hờn thù. Đi bộ dòng dã 6 tháng trên đường Trường Sơn, không ít đồng đội của ông phải gửi lại thân mình trong tấm nilon gói vội vì sốt rét ác tính, vì bom từ trường và thậm chí bị thú giữ ăn thịt... Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ từng trận đánh ở mặt trận bên nước bạn Lào, ở miền Đông Nam Bộ, Tứ giác Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên...
Ông bảo: Muỗi mòng kinh khủng, tổn thất cũng vô kể. Là lính trinh sát, trước mỗi trận đánh tôi lại có dịp bò qua mấy lượt hàng rào dây thép gai, vào tận nơi để xem quân địch bố phòng trận địa. Sau đó cùng chỉ huy đơn vị lên phương án tác chiến... Dừng lời, nhấp ngụm trà khoan khoái, ông nói thản nhiên: Trận Tà Keo (Campuchia) 1 quả đạn cối của địch rơi trúng trận địa, một số đồng chí hy sinh tại chỗ, còn tôi khi tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong quân y viện. Tôi bị đạn cối phang thẳng vào lồng ngực, làm gẫy 2 dẻ xương sườn. Hiện phía bên phải ngực vẫn còn mảnh đạn, tôi đã sống chung với mảnh đạn ấy đến bây giờ là 40 năm nay.
Trận Tà Keo xảy ra vào tháng 8/1970, trận này ông Mai được đơn vị tặng Bằng khen ngay trong Viện quân y. 2 tháng sau đó, ông được Chi bộ kết nạp vào Đảng. Như vậy năm 2010 này, ông Mai bước vào tuổi 59, với 40 tuổi Đảng và đồng thời cũng mang trong cơ thể mình một mảnh đạn thù - dấu ấn ở phía sau 4 tấm Huân chương và 3 tấm Bằng khen được treo trên tường kia. Tháng 6-1975, ông phục viên và được điều động về Lâm trường Phú Lương, sau đó chuyển về Công ty Lâm sản Đồng Hỷ. Ở mặt trận mới, ông phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và được cơ quan đánh giá cao.
Năm 1993, ông nghỉ hưu do năng động, ông được bà con trong tổ dân phố bầu làm trưởng xóm, rồi Trưởng ban Công tác mặt trận và là đại biểu HĐND thị trấn từ năm 2004 đến nay. Năm 2001, ông Mai được các đảng viên trong chi bộ bầu làm Bí thư. Để nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ cũng như các tổ chức đoàn thể quần chúng, việc đầu tiên ông làm là nhanh chóng kiện toàn lại chi bộ Đảng, củng cố các tổ chức đoàn thể, qua đó lãnh đạo nhân dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư... Tuy nhiên khi “chấn chỉnh” lại hoạt động của chi bộ, ông Mai cũng gặp phải không ít khó khăn ngay từ phía một số đồng chí đảng viên. Ông trăn trở: Để có được cuộc sống hôm nay, cả dân tộc đã có bao người con ngã xuống, có ai tiếc máu xương đâu. Vậy tại làm sao lại có những đảng viên chỉ biết lo vun vén cho hạnh phúc riêng mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước nhân dân?.
Để có lời giải đưa các đảng viên trong chi bộ vào cuộc, ông đã tìm hiểu về gia cảnh, khả năng làm việc của từng đồng chí, sau đó phân tích, động viên, giao nhiệm vụ cho từng người. Vì thế 23 đảng viên trong chi bộ hiện nay đều đựơc phân công nhiệm vụ cụ thể, như phụ trách các chi hội, đoàn thể hoặc phụ trách cụm dân cư. Hằng tháng Chi bộ lại có nghị quyết cụ thể, sát với tình hình thực tế của tổ dân phố, như vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo vùng thiên tai... Không chỉ tích cực, ông đã khuyến khích được các đảng viên trong chi bộ gương mẫu trước các phong trào. Vì thế mọi hoạt động ở địa phương do Nhà nước phát động cũng đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, đăng ký tham gia. Do vậy bộ mặt của tổ dân phố đã nhanh chóng đổi mới, đến cuối năm 2009 trong tổ có 100% các trục đường chính, đường ngõ được xây dựng bằng bê tông; có đèn điện chiếu sáng; tổ có nhà văn hoá làm nơi hội họp cho nhân dân... Tất cả đều bằng tiền do nhân dân đóng góp, xây dựng.
Ông Mai tự hào: Tổ hiện có hơn 100 hộ, với 484 nhân khẩu, nhưng đây là địa bàn không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội, không có người sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật và không có hộ nghèo. Hằng năm, 100% số hộ trong tổ đều đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hoá. Kết quả phong trào từ năm 2001 đến nay, tổ liên tục đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hoá, Chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh. Đặc biệt là trong 5 năm gần đây, Chi bộ liên tục đạt danh hiệu Chi bộ Đảng xuất sắc tiêu biểu. Cá nhân ông Mai năm 2007 được Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư ” tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc trong việc thực hiện phong trào; năm 2009 ông được Đảng bộ huyện Đồng Hỷ tặng Giấy khen “Đảng viên tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Ông tâm sự: Là Bí thư Chi bộ, hằng ngày tôi động viên các đảng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn giản là việc vận động người thân trong gia đình, dòng họ và bà con lối xóm chấp hàng tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. Phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn không để các tệ nạn xã hội thâm nhập vào địa bàn, đồng thời mỗi đảng viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mình... như thế là hưởng ứng tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rồi.