Dáng người nhanh nhẹn, tính tình cởi mở, đó là những gì chúng tôi nhận thấy khi tiếp xúc với chị Đặng Thị Phượng, 32 tuổi, dân tộc Dao, xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai)... Với quyết tâm làm giàu, chị đã vươn lên trở thành người phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã và huyện.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, vì hoàn cảnh gia đình nên chị không được học hành đến nơi đến chốn, học hết cấp II, chị phải lên nương làm rẫy cùng bố mẹ. Những trăn trở về việc làm giàu trên chính mảnh đất quê mình, cũng như giúp bà con có công ăn việc làm luôn thôi thúc chị phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, chị đã phải xoay xở không ít nghề. Năm 18 tuổi chị lên rừng kiếm măng ra chợ bán, đường sá xa xôi mà mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 2 nghìn đồng. Chị tâm sự: “Lúc đó mình muốn mua quà cho cháu còn không đủ tiền, nghĩ cực quá!”. Thời gian đó, thanh niên trong làng đi làm giầy da nhiều, chị cũng nộp hồ sơ, nhưng khi xuống xã xin dấu, nghe ông Chủ tịch UBND xã nói đi làm ở thành phố có nhiều cám dỗ và khuyên chị nên ở nhà làm kinh tế, chị từ bỏ ý định. Năm 2000, chị quyết định xuống trung tâm huyện học may. Sau 3 tháng, chị mở một tiệm may ở nhà, kết hợp với buôn bán cùng với tiền vốn tích được từ trồng hoa màu, chị mua chiếc xe máy 15 triệu đồng để tiện cho việc chạy chợ. Công việc làm may cứ thế kéo dài được 3 năm, song nghề may chỉ đủ ăn chứ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2003, chị bỏ nghề may chuyển sang chăn nuôi. Ban đầu chị mua 20 con lợn về nuôi. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, nhất là trong cách phòng tránh dịch bệnh nên sau một năm số lợn đó ốm và chết dần. Không nản lòng, năm 2005, thấy bà con trong vùng trồng nhiều ngô, chị quyết định chuyển hướng sang trồng ngô. Chị đã mua 20 kg ngô giống về trồng trên 4 ha. Nhờ sự chăm sóc chu tốt, sau một vụ, chị thu nhập được khoảng 40- 50 triệu đồng. Thấy cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế khá và phù hợp với điều kiện đất đai của vùng, chị tiếp tục mua thêm giống về trồng trên 3 ha còn lại.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, với 7 ha ngô mỗi năm chị thu từ 70-80 tấn, trung bình mỗi vụ ngô chị bán được gần 100 triệu đồng. Một năm trồng 2 vụ, trừ chi phí, chị cũng thu được gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn giải quyết được từ 5 - 10 lao động nhàn rỗi trong và ngoài xã với mức công trung bình từ 40- 50 nghìn đồng/người/ngày. Hiện nay, chị là người có thu nhập cao nhất của xã Phương Giao. Tháng 8 năm 2009, chị được xã cử đi dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số của huyện và được Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển kinh tế”. Hiện tại chị đang cố gắng làm việc để mở rộng thêm trang trại chăn nuôi gà và trồng keo, tạo việc làm nhiều hơn nữa cho các lao động trong vùng.