Nghị lực vượt khó của một thương binh

07:51, 19/04/2010

Thương binh hạng 3/4 Nguyễn Xuân Thu ở xóm Cây Si, xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn, nhưng không phế”, đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định.  

 

Được Hội Cựu chiến binh xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) giới thiệu, chúng tôi đã tìm đến nhà thương binh hạng 3/4 Nguyễn Xuân Thu ở xóm Cây Si. Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông đang cặm cụi làm việc trên đồi. Thấy có khách, cả hai ông bà vui vẻ mời chúng tôi vào nhà uống nước, trò chuyện. Sau những phút làm quen, giọng của ông Thu bỗng trầm xuống khi chúng tôi hỏi ông về những ngày tham gia quân ngũ.

 

Tham gia quân ngũ từ tháng 4-1968, được biên chế vào Sư đoàn 304B. Sau 2 tháng huấn luyện cấp tốc ngoài miền Bắc, đơn vị ông hành quân vào miền Nam, chiến đấu tại Khe Sanh, đường 9 (Quảng Trị). Sau đó ông được bổ sung quân số cho Sư đoàn 304A làm chiến sỹ thông tin, liên lạc. Trong một trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, còn ông và người bạn nữa may mắn sống sót nhưng lại mang trong mình nhiều vết thương. Ông tâm sự: Hôm ấy là ngày 23/5/1970, khi đơn vị tôi đang trên đường hành quân vào đến Quảng Trị thì bị máy bay trực thăng của địch ném bom và bắn đạn cối liên tục. Chúng tôi hò nhau chạy dưới làn mưa của bom đạn, người bị thương ít dìu người bị thương nhiều. Lúc đầu tôi chỉ bị thương nhẹ, nhưng sau đó tôi bị trúng đạn vào đầu, cánh tay, bụng và ngất đi. Đến khi tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm ở chốt cao điểm 440 của ta, sau khi sơ cứu, đơn vị chuyển tôi ra tiểu đoàn tiếp tục điều trị vết thương. Do vết thương quá nặng, tôi tiếp tục được chuyển ra ngoài Bắc điều trị cho đến tháng 9/1971 khi sức khoẻ ổn định thì xuất ngũ  trở về địa phương.

 

Trở về địa phương, 1 năm sau ông lấy vợ. Cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn khi cô con gái đầu lòng ra đời. Cái ăn phải lo chạy từng bữa. Ông cho biết: Hồi chúng tôi lấy nhau, đất nước phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã. 4 nhân khẩu trong nhà tính ra chỉ được 30, 40 kg thóc mỗi tháng nên ăn uống kham khổ, thiếu thốn rất nhiều. Để có cái ăn, vợ chồng tôi bảo nhau đi khai hoang phục hoá, mở rộng đất đai trồng khoai, sắn và đã khai hoang được 5 sào ruộng. Cái ăn đã cơ bản đủ, kinh tế gia đình dần dần khá hơn nhờ nuôi thêm gà, lợn, cá… 5 đứa con đến tuổi ăn học nên của cải gia đình ông làm ra vẫn không mấy dư giả. Nhờ sự cần cù, chịu khó mà cuộc sống gia đình ông cũng dần ổn định. Cách đây chục năm, hầu như năm nào gia đình cũng nuôi 200 con gà, xuất chuồng 20, 30 con lợn và có thu nhập ổn định. Với đặc thù đất rộng hơn 2 ha, ông quyết tâm chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Qua nghe đài, ông biết có một nông dân ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã trồng thành công loại hồng không hạt và cho thu nhập cao nên vợ chồng ông đã đi xe máy về tận đó để học hỏi kinh nghiệm và mua 70 cây con về trồng. Do hồng chậm cho thu hoạch nên để lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông trồng thêm khoai tầu xen kẽ vào những chỗ đất trống. Thấy khoai tàu cho thu nhập khá, ông lại mở rộng thêm diện tích lên 4, 5 sào. 3 năm trở lại đây, từ hồng mỗi năm ông thu nhập khoảng 20 triệu đồng, khoai tàu 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn có 6 sào chè, trong đó có 3 sào chè cành giống Bát Tiên mỗi năm cũng cho thu 60 triệu đồng. 2 năm nay, gia đình ông tiếp tục trồng thêm quất mỗi năm cũng thu khoảng 4, 5 triệu đồng...