Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 1984, anh Lầu Văn Chinh - người dân tộc Mông đã tạm biệt thôn quê Hà Quảng - Cao Bằng thân thương để khoác lên mình sắc phục của người chiến sỹ An ninh Nhân dân. Năm đó, Lầu Văn Chinh mới 12 tuổi.
Sau nhiều năm rèn rũa và phấn đấu tại Trường Văn hoá I, Bộ Công an, Học viện An ninh Nhân dân, khi đã là sỹ quan an ninh, anh lại trở về với bản làng, gắn bó với đồng bào vùng cao. Bà con vẫn thân gọi anh là: "Người con của bản làng". Hiện nay an mang quân hàm, giữ chức vụ thiếu tá - Phó Trưởng phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh Thái Nguyên).
Những địa bàn anh phụ trách xa xôi, hẻo lánh, trình độ dân trí hạn chế, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, kích động, chia rẽ các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị. Để người dân an cư lạc nghiệp, yên tâm lao đông sản xuất, anh Chinh và các đồng đội thường xuyên bám trụ địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản. Những năm qua, thiếu tá Lầu Văn Chinh đã cùng cán bộ, chiến sỹ Phòng An ninh xã hội trực tiếp đối thoại, vận động, cảm hoá, giáo dục hàng chục đối tượng (với hàng trăm lượt) người dân tộc thiểu số. Từ đó hạn chế các hoạt động vi phạm pháp luật, như: tuyên truyền tà đạo, hoạt động Tôn giáo trái pháp luật, hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo di cư tự do...
Là người con của đồng bào dân tộc Mông, anh càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Anh tâm sự: “Đối với cán bộ Phòng An ninh xã hội thì việc thường xuyên xa nhà, đến ở những nơi vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại là chuyện thường. Có những chuyến đi cả tuần không về; ăn, ở, làm việc và chia xẻ những tâm tư, tình cảm với bà con...) Từ đó dân bản mến anh, tin anh. Anh nói cho dân nghe, dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn cho họ những cách làm hay, tăng gia sản xuất, phát triển đời sống tinh thần, rời xa hủ tục, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hoà ở cộng đồng dân cư; nắm và kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gặp anh trong buổi lễ bế giảng lớp dạy tiếng Mông, anh phấn khởi cho biết: Năm 2009, anh đã trực tiếp biên soạn tài liệu và phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện Võ Nhai tổ chức thành công 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 2.000 người Mông (bằng song ngữ Việt - Mông). Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy lớp tiếng Mông khoá I do Tỉnh uỷ Thái Nguyên tổ chức với gần 50 học viên là cán bộ tuyên giáo các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nay đã đổi thay nhiều, đa phần các hộ đều có của ăn của để, nhiều gia đình đã sắm được tivi, xe máy… Trong niềm vui chung của dân bản, có sự đóng góp thầm lặng của thiếu tá Lầu Văn Chinh.