Đó là anh Nguyễn Văn Thường, Xã Hùng Sơn, Đại Từ. Với vai trò là Trùm phó Giáo họ Yên Cư của xã Hùng Sơn, anh luôn tuyên truyền để bà con giáo dân xây dựng tốt mối quan hệ giữa giáo hội và xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xóm Liên Giới, xã Hùng Sơn (Đại Từ), giữa lúc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh Nguyễn Văn Thường đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Hòa bình lập lại, anh trở về địa phương mang trên mình nhiều thương tích, được hưởng chế độ thương binh 3/4. Sức khỏe yếu, anh thường xuyên đau ốm, nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Với 3 sào ruộng và hơn 1,5 ha chè, phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu cho gia đình và tiền học của 2 người con.
Trong những lúc gian khó, anh Thường luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và anh em, bạn bè. Mọi người đều động viên anh tìm hướng đi phù hợp để nâng cao thu nhập cho gia đình. Với suy nghĩ trong chiến tranh đối mặt với kẻ thù mình còn không sợ, giờ không thể bó tay trước cảnh đói nghèo, anh quyết tâm phải tìm hướng đi phù hợp để nâng cao đời sống cho gia đình, có điều kiện nuôi dạy con ăn học nên người. Không có vốn, anh phải vay mượn tiền của bạn bè để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì thiếu kiến thức nên vật nuôi thường mắc bệnh dịch và chết. Không nản trí, anh lại tiếp tục tìm đến nhiều mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách làm giàu.
Nhận thấy trên địa bàn huyện có một số mô hình nuôi nhím đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, anh đã tìm đến học hỏi và mua 1 đôi giống về nuôi rồi nhân giống dần. Đến nay gia đình anh đã phát triển được 7 đôi nhím sinh sản cung cấp con giống cho các hộ trên địa bàn. Theo ước tính của anh trừ chi phí đầu tư ban đầu, công nuôi, thức ăn, mỗi năm từ chăn nuôi nhím thu lãi từ 80-90 triệu đồng. Cùng với nuôi nhím, gia đình anh Thường còn đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy; cải tạo, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có. Nhờ vậy, đã mang lại khoản thu đáng kể. Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm từ chăn nuôi nhím, chè, gieo cấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt gần 200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí tiết kiệm được trên 100 triệu đồng. Nhờ đầu tư đúng hướng trong phát triển kinh tế đã đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình anh Thường. Anh đã xây dựng được nhà kiên cố, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nuôi 2 con đang học chuyên nghiệp.
Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, anh Thường còn tuyên truyền phổ biến tới bà con trong xóm, trong giáo họ hăng hái phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, còn giúp đỡ nhiều người trong và ngoài tỉnh về giống nhím, cũng như phổ biến kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ có nhu cầu. Bản thân anh còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và là hội viên gương mẫu của các chi hội Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Người cao tuổi. Với vai trò là Trùm phó Giáo họ Yên Cư của xã Hùng Sơn, anh luôn tuyên truyền để bà con giáo dân xây dựng tốt mối quan hệ giữa giáo hội và xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Gia đình anh luôn là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình văn hoá và sống "tốt đời đẹp đạo" của họ đạo Yên Cư được bà con tin tưởng và quý mến. Anh vừa được UBND huyện cử đi dự Hội nghị biểu dương người công giáo tiêu biểu của tỉnh.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thường nói: "Tôi rất vinh dự được đại diện cho bà con trong giáo họ đi dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương người công giáo tiêu biểu của tỉnh. Qua đó, tôi càng thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa trong công việc mà Giáo họ giao cho, tích cực vận động bà con sống "tốt đời đẹp đạo" chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương, tích cực trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hoá".