Sau vài lần hẹn với chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến, Phổ Yên để đến thăm một mô hình làm kinh tế giỏi của xã, chúng tôi cũng có dịp đến nhà anh Nguyễn Văn Trình, xóm Hắng.
Vừa thấy anh, tôi đã nhận ra ngay anh chính là người mà tôi thường gặp trong các cuộc thi văn nghệ ở huyện Phổ Yên. Những lần gặp trước, tôi thấy anh hay diện những bộ comle, thắt ca vát ngay ngắn, những lúc như thế trông anh như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, gương mặt chữ điền luôn thường trực nụ cười tươi. Với giọng ca ngọt ngào ấm áp, anh đã giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi giọng hát hay của tỉnh, huyện. Gặp lại anh tại nhà riêng, chúng tôi hơi bất ngờ khi thấy anh chân đất, quần sắn ngang gối, mồ hôi tuôn lã chã đang chăn đàn lợn choai. Nghe có khách, anh dừng tay ra vòi nước dội qua lớp đất bám quanh chân rồi tất tả vào nhà. Sau lời chào hỏi, anh pha nước mời khách, dường như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, anh cười bảo: Đi hát thì còn thơm tho, chứ ở nhà thì lúc nào người cũng ám mùi gà, lợn thế đấy.
Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn viết bài về anh - một điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế gia đình, gương mặt thoáng vẻ trầm ngâm, giọng anh trùng xuống thoáng buồn: Để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã trải qua bao nhiêu vất vả, đắng cay. Sinh năm 1971, trong một gia đình có 10 anh chị em, do nhà nghèo, nên học xong phổ thông, anh Trình đã phải bôn ba xứ người để kiếm sống. Năm 1992, anh sang Bắc Giang làm thuê và năm 1995, anh xây dựng gia đình rồi đưa cả vợ cùng đi làm. Năm 2004, được Hội Nông dân cho vay 2 triệu đồng, anh đầu tư mua 1 con lợn nái, 2 con lợn thịt. Từ đó cứ lứa nọ nối tiếp lứa kia, mỗi lứa anh lại nuôi thêm vài con, đến năm 2007, gia đình anh đã có 3 lợn nái và gần 30 con lợn thịt. Thấy nuôi lợn có thể phát triển được, anh tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mở thêm đại lý bán thức ăn chăn nuôi, cung ứng vật tư phân bón và bán hàng tạp hóa… Nhờ đó, kinh tế gia đình dần dần khấm khá, hiện nay trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có khoảng 70 con lợn. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm trên 100 con gà và mở hàng ăn sáng, mỗi năm từ chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ gia đình anh thu nhập gần trăm triệu đồng. Hiện anh đã mua được đất bám mặt đường, xây dựng cơ ngơi khang trang vừa phục vụ kinh doanh vừa sinh hoạt. Tháng 9-2010, anh vừa đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô nuôi khoảng 150 con, dự kiến sắp tới sẽ nuôi với quy mô 200 con.
Nghe chúng tôi hỏi về kinh nghiệm gây dựng cơ đồ từ 2 bàn tay trắng, anh chia sẻ: Thực ra, tôi không có kinh nghiệm gì nhiều, chỉ là cuộc sống quá khó khăn nên việc gì ra tiền là tôi làm, nhiều thứ thu nhập ít gộp lại sẽ tạo ra mức thu nhập cao. Nhưng để làm được như vậy thì đòi hỏi phải có tính cần cù chịu khó. Mấy năm nay, ngày nào cũng như ngày nào tôi luôn làm việc từ sáng đến tối mịt, hết cho lợn ăn, rồi cho gà ăn, lại quay sang vệ sinh chuồng trại, vừa làm những công việc đó, tôi vừa bán hàng.
Bận rộn với công việc là vậy, nhưng anh Trình vẫn không quên niềm đam mê ca hát, anh là một thành viên CLB cải lương của tỉnh, thỉnh thoảng có các cuộc giao lưu văn nghệ, anh lại diện comle đi biểu diễn. Anh cho biết: Từ nhỏ tôi đã mê ca hát, cho dù ở đâu, làm gì hay cuộc sống có khó khăn vất vả đến đâu, tôi cũng vẫn tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, sau mỗi lần được nghe hát và hát cho mọi người nghe, tôi thấy quên đi mọi mệt nhọc thường ngày, cuộc sống như tươi đẹp, thi vị hơn.