“Nhanh nhẹn, tháo vát, tay nghề vững, tận tuỵ ” - đó là những nhận xét của Giám đốc Xí nghiệp may Việt Đức (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG) Nguyễn Thị Thu Hương, khi nói về cô Tổ trưởng Tổ sản xuất Bùi Thị Cúc Hương.
Gặp Cúc Hương tôi hơi bỡ ngỡ vì cô có dáng người nhỏ bé, hơi gầy và tuổi đời còn trẻ, nhưng khi tiếp xúc và nói chuyện thì giọng nói thật dứt khoát, cứng cỏi.
Năm nay Cúc Hương ở tuổi 33. Chị cho biết: Năm 1996, vừa rời trường học phổ thông, Hương không đi học chuyên nghiệp như các bạn khác mà vào làm công nhân tại Xí nghiệp. Trong công việc, Hương luôn có ý thức vươn lên và hoàn thành tốt công việc được giao. Sau 2 năm, Cúc Hương được tín nhiệm làm Tổ phó Vật tư. Đến năm 2005 làm Tổ trưởng Tổ sản xuất. Nhiệm vụ của tổ là sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng xuất khẩu nên yêu cầu đối với sản phẩm rất cao, đảm bảo quy cách xuất khẩu, đúng thời gian giao hàng.
Trong công tác quản lý, vấn đề lao động về giờ giấc làm việc, an toàn lao động, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, tăng doanh thu và đảm bảo việc làm, thu nhập cao cho người lao động là những vấn đề đòi hỏi người cán bộ quản lý phải luôn quan tâm. Với cương vị được giao, chị thường phải đi sớm về muộn, bám sát tổ sản xuất và tính toán công việc thật hợp lý để đảm bảo cho mọi người có việc làm và thu nhập đồng đều (vì Xí nghiệp trả lương khoán theo sản phẩm); phối hợp nhịp nhàng giữa các công đoạn công việc nhằm nâng cao năng suất lao động. Vì thế, cứ mỗi sáng đến nơi làm việc, chị lại phải quan sát thật kỹ để chia việc cho mọi người, nên ai cũng có việc làm, tránh được tình trạng người thì làm không hết việc, người thì quá ít việc; tạo sự công bằng, đoàn kết giữa mọi người trong tổ. Bên cạnh đó, nắm bắt trình độ tay nghề của từng công nhân để bố trí công việc phù hợp và giúp mọi người cùng hoàn thành tốt công việc (vì có người có thể may được 3 chi tiết, nhưng có người chỉ may được 2 chi tiết). Tổ của chị có 45 công nhân, trong đó đến 95% là nữ. Số lao động nữ thường xuyên luân phiên nghỉ thai sản trên dưới 10 người; khoảng 40% số công nhân có con nhỏ. Đó là chưa kể nhiều khi nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất chưa đáp ứng kịp thời do khách hàng cung cấp chậm hoặc do có công đoạn phải sử dụng máy chuyên dùng làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Để duy trì các công đoạn của sản phẩm, chị thường xuyên nhắc nhở chị em nếu có công việc gì thì nên thông báo trước để chị chủ động bố trí người làm việc duy trì dây chuyền sản xuất. Trong quá trình sản xuất, tuy có cán bộ KCS (kiểm tra), song chị vẫn luôn theo sát công nhân để hướng dẫn, chỉ bảo họ thực hiện các công đoạn may đúng quy cách tiêu chuẩn do khách hàng đặt, tránh làm hỏng sản phẩm và giúp công nhân vận chuyển sản phẩm giữa các công đoạn, không làm gián đoạn công việc. Từ đó, Tổ của chị luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng. Tổ sản xuất thường xuyên dẫn đầu Công ty TNG về doanh số và lương công nhân với thu nhập khá đồng đều, chênh lệch tiền lương giữa các công nhân trong tổ chỉ khoảng 200 nghìn đồng (ví dụ, lương một tháng của 94% công nhân trong tổ đạt mức lương dao động từ 2 triệu đến 2,2 triệu đồng, chỉ trừ một số ít lao động mới vào làm việc, mức lương sẽ thấp hơn). Đây là việc làm mà các tổ khác trong Công ty ít thực hiện được như vậy.
Không chỉ nắm chắc công việc để điều hành, chị còn luôn gần gũi để hiểu được hoàn cảnh của từng chị em và thông cảm, chia sẻ khi họ khó khăn hay có tâm tư gì. Vì vậy, chị em không ngần ngại khi tâm sự với chị những nguyện vọng, thắc mắc của họ (chủ yếu là vấn đề tiền lương, bảo hiểm) và những vấn đề nào thuộc thẩm quyền chị đã cùng Tổ Công đoàn giải quyết kịp thời; không thuộc thẩm quyền chị đề xuất lên cấp cao hơn để đáp ứng nguyện vọng của chị em, nên không có thắc mắc vượt cấp. Mặc dù hàng tháng, Xí nghiệp thường phát phiếu thăm dò cho công nhân để lấy ý kiến về các vấn đề: ăn ca, bảo hiểm, tiền lương, làm thêm giờ…, nhưng ở Tổ của chị hầu như chưa có ý kiến nào phải phản ảnh thắc mắc vào những phiếu này. Công bằng trong công việc, gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ với chị em- là sợi dây gắn bó tình đoàn kết giữa mọi người trong tổ. Khi trò chuyện với tôi, chị luôn nói về Tổ sản xuất của mình với tên gọi “nhà em” là tôi đã hiểu được tình cảm, sự gắn bó của chị với nơi làm việc của mình thật sâu đậm, thân thiết.
Tuy hai con còn nhỏ, chồng chị cùng làm ở Xí nghiệp, song chị Cúc Hương đã biết sắp xếp công việc một cách khoa học hợp lý, vừa lo việc nước, vừa trọn việc nhà. Chị là một trong 58 nữ công nhân viên chức lao động được Công đoàn ngành Công thương tặng Giấy khen với danh hiệu “Giỏi việc nước- đảm việc nhà” trong 5 năm 2006-2010. Nhiều năm qua, Tổ sản xuất do chị Cúc Hương quản lý liên tục được Công ty TNG, Công đoàn ngành Công Thương khen thưởng; bản thân chị Cúc Hương cũng liên tục được các cấp khen thưởng.