Đó là ông Bùi Văn Hanh, xã Trung Lương, Định Hóa. Tháng 9 vừa qua, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu tiểu của tỉnh Thái Nguyên.
Hiện gia đình ông có 7 ha rừng, trong đó có trên 4 ha kết hợp trồng quế, mây nếp và các loại cây ngắn ngày, 1,5 ha ao thả cá cá thịt và cá giống, ngoài ra ông còn thâm canh các loại cây ăn quả như: chanh, bưởi, quất... và hơn hơn 3.000m2 chè cho thu nhập cao.
Năm 1995 ông là người đầu tiên của huyện Định Hóa đăng ký với phòng Nông nghiệp và PTNN xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Bắt đầu bằng việc khai hoang và trồng mới 7ha rừng bạch đàn và bồ đề trên diện tích đồi cằn cỗi. Ông chia sẻ: "Không phải là người dân bản địa nên diện tích đất nông nghiệp của gia đình tôi không nhiều, lại cằn cỗi và xa nhà nên canh tác cây gì cũng khó, tôi quyết định chọn trồng rừng để phủ xanh đất trống, cũng là tạo nguồn thu nhập lâu dài. Từ đó đến nay, hễ nhà ai có nhu cầu nhượng lại đất đôi là tôi tìm cách mua lại để mở rộng vườn bãi".
Từ năm 2002, nhận thấy hiệu quả của cây bạch đàn và bồ đề không lớn, ông Hanh đã dần thay thế diện tích rừng này bằng cây quế và trầm hương. Năm 2007, thực hiện dự án trồng cây mây nếp của Trạm Khuyến nông huyện, ông là người đăng ký trồng diện tích lớn nhất với tổng cộng gần 4 ha. Đến nay, một nửa diện tích mây này đã cho thu hoạch. Theo ông tính toán: Mỗi kg mây có giá bán trên thị trường từ 3 đến 5 nghìn đồng, 1ha mây sau 5 năm có thể cho thu hoạch hàng chục tấn, như vậy giá trị trồng mây là cao hơn hẳn so với trồng rừng". Tận dụng diện tích đất, năm 2009 ông Hanh đã trồng xen canh hơn 2ha giềng trên diện tích rừng, đến nay giềng đang phát triển tốt sẽ cho thu hoạch trong năm tới, ngoài ra hàng năm ông còn trồng từ 1 đến 2 ha sắn cao sản để làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Tính chung, giá trị các cây trồng trên đất rừng của gia đình ông lên tới hàng trăm triệu đồng.
Mở rộng quy mô trang trại, năm 2008 gia đình ông Hanh đã mạnh dạn đầu tư gần ba trăm triệu đồng để nạo vét và xây dựng 4 ao thả cá có tổng diện tích 1,5 ha, mở 2km đường giao thông vào tận vườn rừng để thuận tiện khai thác và tiêu thụ nông sản. Trong 4 ao cá, ông đầu tư 1 ao ương cá giống phục vụ cho gia đình, đồng thời cung cấp cho nhu cầu địa phương, 3 ao còn lại ông kết hợp giữa 1 vụ trồng lúa và một vụ chăn thả các loại cá thịt như: trắm, chép… nguồn thức ăn cho cá được tận dụng luôn từ phụ phẩm nông nghiệp và các loại thức ăn tự nhiên. Mỗi năm từ áo thả cá cho gia đình ông thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Dọc ven bờ ao, ông Hanh trồng thêm gần 1 nghìn gốc chanh lai, măng bát độ, bưởi và chuối tiêu hồng (đều là những giống có năng suất và chất lượng cao được ông đặt mua tại Trung tâm giống cây trồng tỉnh). Theo ông Hanh, đây sẽ là nguồn thu nhập chính của gia đình trong một vài năm tới. Ngoài ra, gia đình ông còn canh tác thêm hơn 3.000m2 chè, vài trăm con gà đẻ và chăn nuôi hàng chục con lợn thịt. Tổng thu nhập từ mô hình trang trại của ông Thanh lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Niềm say mê lao động và quyết tâm làm giàu đã mang lại những thành công bước đầu cho người nông dân 46 tuổi này, ông còn là một trưởng xóm gương mẫu, luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con những kinh nghiệm sản xuất và các loại giống. Ông đã nhận được nhiều giấy khen và bằng khen các cấp về thành tích trong lao động sản xuất. Tháng 9 vừa qua, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu tiểu của tỉnh Thái Nguyên.