Ai đã đến thăm hoặc được nghe kể chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hương, 70 tuổi (Thôn Tân Trung, xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên), đều cảm phục về nghị lực và sáng tạo của ông trong làm kinh tế VAC.
Quê ông ở Kiến Xương - Thái Bình. Nhập ngũ từ năm 1960 - trải qua 30 năm quân ngũ, năm 1973 ông xây dựng gia đình với bà Đỗ Thị Hải. "Đất lành chim đậu", từ đó ông ở lại quê của bà đến nay. Năm 1990, khi nghỉ hưu, kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn: Vợ ông làm ruộng, các con còn nhỏ đi học. Ông đã bươn trải nhiều việc: Đi buôn chè, mở quán ăn… Khi ấy một phần thiếu kinh nghiệm, lại ít vốn nên dù vất vả, nhưng hiệu quả lại thấp. Sau nhiều đêm trăn trở ông quyết định: Về bám đất, bám vườn để phát triển kinh tế.
Với 360m2 đất đồi, gò mà bố mẹ vợ cho từ trước, ông đã tích cóp mua thêm đất của một gia đình ở cạnh nhà ông, và đổi gạch lấy khu đất đầy sim mua của người khác. Cơ ngơi của ông mở rộng ra được 2800m2, nhưng chỗ cao, chỗ thấp, lại đầy sỏi đá cằn cỗi.
Chuyện đóng và tự đốt gạch của ông nghe như "kỳ tích". Hồi ấy ông công tác ở Bệnh Viện Quân y 9 1 cách nhà 2km. Hàng ngày ông dành 3h đến 4h trước khi đi làm buổi sáng, buổi chiều đi làm về và toàn bộ ngày nghỉ, Chủ nhật, ngày lễ, để làm đất đóng gạch. Sau này khi chuyển công tác xa hơn 30 km, ông cũng vẫn dành toàn bộ ngày được nghỉ cho "chiến dịch" làm gạch. Ban đầu ông đào từng chiếc hố cách đều nhau, bóc lớp đá sỏi, lấy đất bên dưới đóng gạch, rồi cho phân, đất màu xuống để trồng cây. Khi cây đã kín vườn, ông đào tập trung một nơi thành một ao, có diện tích trên 300m 2, sâu 3m để nuôi cá và trữ nước tưới cho cây. Tôi hỏi "Ông học đóng gạch và đốt gạch ở đâu?" ông bảo "Đóng gạch thì không khó lắm, cứ đến chỗ họ đóng gạch nhìn và bảo họ hướng dẫn vài lần là làm được. Còn đốt lò thì lò đầu phải thuê người, quá trình họ làm, mình ghi chép lại thật đầy đủ từng công đoạn, từng việc: xếp gạch mộc, xếp than, thời gian đốt ra sao… lò thứ 2 là mình tự đốt được". Từ năm 1976 đến năm 2000, ông đã “tranh thủ" tự đóng, tự đốt được 15 vạn viên gạch. Toàn bộ công trình nhà ông được xây bằng số gạch đó. Tôi đặc biệt thán phục ông về cái ao: Bốn mặt được xây bằng gạch từ đáy trở lên, trên bờ ao lát thành lối đi, dưới lùm cây mát trên bờ ao, ông cho dựng mấy bộ bàn ghế bằng đá, đọc sách, đánh cờ.
Toàn bộ khu vườn và trang trại chăn nuôi được ông bố trí rất khoa học và hiệu quả, từ ao thả cá cuối vườn, đến vườn cây ăn quả, khu đất trồng rau xanh mùa nào thứ đó, ngoài các loại rau thông thường, bảo đảm cho bữa ăn hàng ngày. Ông chú trọng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao: Hoa thiên lý, su su, cây gia vị... Tôi quan sát khá lâu cái "lồng" khổng lồ nuôi chim bồ câu. Thực chất là cái nhà làm bằng lưới B40, có chiều dài l0,5m, rộng 4,5m, cao 5m, trong cái lồng đó có một số cây xanh cho chim đậu. ông đang nuôi 70 đôi, mỗi tháng chúng sinh sản bình quân thêm 20 đôi ông bảo "Trừ mọi chi phí mỗi năm chiếc "lồng" đó cho lãi trên 10 triệu đồng". Rải rác trên vườn ông đặt 15 tổ ong, mỗi năm chúng cho ông 80- 90 lít mật ong. ông cho biết: Hàng năm ao cá, cho thu hoạch trên 3 tạ cá, gà vịt, ngan… 3 tạ.
Để đảm bảo cho trồng trọt chăn nuôi, ông thuê khoan 2 giếng, một giếng sâu 42m phục vụ cho tưới cây, bơm nước vào ao nuôi cá, một giếng sâu 30m phục vụ cho gia đình ông sinh hoạt. Ông bố trí một khu chế biến, có cả máy thái rau, hệ thống nấu thức ăn, phục vụ cho chăn nuôi. Ông thường xuyên "vào mạng" tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nên cây, con trong vườn nhà ông được chăm bón đúng kĩ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ mô hình kinh tế VAC, trừ chi phí, mỗi năm bình quân gia đình ông thu được trên 40 triệu đồng. Ông nói "Mô hình kinh tế VAC này chưa đạt yêu cầu làm giàu, nhưng để thoát nghèo và làm cơ sở tiếp tục vươn lên, thì đây là mô hình nhiều người có thể làm được"
Ông là Chi hội trưởng chi hội VAC thôn Tân Trung, chi hội của ông có gần 20 gia đình hội viên. Ông thường xuyên động viên, trao đổi kinh nghiệm với các hội viên, một số gia đình học tập ông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định vững chắc, có những người đang vươn lên làm giàu. Cuối năm 2010, Chi hội VAC thôn Tân Trung được Trung ương hội VAC Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích hoạt động 3 năm (2008 - 2010)