Đó là anh Đào Mạnh Lân, công tác tại Nhà máy Z131 (có trụ sở ở xã Đồng Tiến - Phổ Yên). Với lòng say mê nghiên cứu khoa học và bầu nhiệt huyết, ham học hỏi, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lân tâm sự: Tháng 9-2005, tôi nhận công tác tại Tổ thiết kế - Phòng Kỹ thuật công nghệ thuộc Nhà máy Z131. Khi mới vào làm, tôi cũng hơi bỡ ngỡ bởi việc áp dụng những kiến thức học ở trường vào thực tiễn sản xuất khi chưa có kinh nghiệm là một khoảng cách. Nhưng môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi đức tính kiên trì, chịu đựng gian khó và say mê nghề nghiệp, khiến tôi không nản chí.
Được Ban lãnh đạo Nhà máy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với trình độ được đào tạo cộng với lòng yêu nghề đã thôi thúc anh Lân tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đưa những tiến bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất để tìm những hướng đi mới trong sản xuất của đơn vị.
Công việc thiết kế đòi hỏi người cán bộ phải có tư duy tổng hợp, từ các khâu thiết kế sản phẩm, triển khai các bước công nghệ và điều hành sản xuất để làm ra sản phẩm và phát huy hết khả năng sáng tạo. Anh Lân đã không ngừng học hỏi ở cơ quan cấp trên về lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời tìm hiểu thông tin qua Internet để bổ sung kiến thức cho bản thân. Vừa làm vừa tìm hiểu, đến năm 2007, anh cùng 2 đồng chí trong Tổ đã có công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy in và công nghệ in ký hiệu trên sản phẩm vũ khí. Công trình đã đoạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội do Tổng cục Chính trị cấp. Khi áp dụng vào sản xuất trong Nhà máy, thời gian in ký hiệu trên sản phẩm vũ khí rút ngắn chỉ còn 1/3 so với phương pháp cũ trước đây. Công trình này đã mở ra hướng nghiên cứu mới về công nghệ in mà trước đây nhà máy chưa từng làm.
Năm 2008 và 2010, anh tiếp tục tham gia cùng các đồng chí trong Tổ nghiên cứu chế tạo một số mô hình sản phẩm phục vụ cho môn học Giáo dục quốc phòng và đã đoạt giải Ba - giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội. Mô hình đã sử dụng vật liệu mới là Composite vào sản xuất, từ đó kéo theo sự thay đổi về công nghệ. Nếu như trước đây, với nguyên liệu là sắt, thép, Nhà máy thường sử dụng phương pháp cắt gọt kim loại như: tiện, phay, mài… Phương pháp này có nhược điểm là gia công sản phẩm khó, đòi hỏi đầu tư nhiều trang thiết bị. Khi sử dụng vật liệu mới là Composite, nhà máy dùng khuôn mẫu đúc ép định hình. Nhờ đó sản phẩm vẫn giữ được độ bền mà lại tạo ra những chi tiết có độ phức tạp cao hơn. Ngoài ra, từ khi nhận công tác đến nay anh Lân đã chủ trì và tham gia với các đồng chí trong Tổ nghiên cứu, sáng tạo được trên 30 sản phẩm kỹ thuật mới. Các mô hình mới này đều đã và đang được ứng dụng trong sản xuất, cung cấp tới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, góp phần mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho nhà máy.
Với những nỗ lực, đóng góp trong công việc, năm 2009, anh đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2010, anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo