Chuyện về một người tâm huyết với công tác dân số

17:14, 20/06/2011

Trong suy nghĩ của nhiều người, làm cộng tác viên dân số (CTVDS) luôn đòi hỏi nhiều thời gian, cần sự kiên trì và khéo léo nên “mặc nhiên” công việc này sẽ do các chị em đảm trách. Việc có một nam CTVDS đã 11 năm tận tụy gắn bó, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như anh Chu Chiến Thắng, xóm An Thịnh I, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) quả là trường hợp đặc biệt.  

Với người dân xóm An Thịnh I, anh Thắng là người rất quen thuộc đối với họ qua công việc vận động nhân dân trong xóm, xã thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thay đổi những tập quán, thói quen lạc hậu. Trở thành CTVDS như là một “cái duyên” đối với anh Thắng. Sinh năm 1967, sau 3 năm quân ngũ, năm 1989, anh Thắng trở về sinh sống và lao động tại địa phương. Tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, hoạt động của thanh niên tại cơ sở nên anh luôn được bà con trong xóm tin yêu. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cảnh đông con, đồng thời chứng kiến thực tế đáng buồn tại địa phương khi nhiều gia đình sống trong cảnh tay bế, tay bồng nheo nhóc, anh Thắng tâm niệm sẽ góp hết sức mình để thay đổi điều này. Sau khi học song lớp sơ cấp về y tế, năm 1998, anh được phân công phụ trách y tế thôn bản xóm An Thịnh I. Đến năm 2000, anh được giao làm CTVDS và liên tục đảm nhiệm công việc này đến nay.

Theo suy nghĩ của anh Thắng, để thành công với bất cứ công việc gì dù lớn hay nhỏ đều cần phải có sự nghiêm túc và đam mê. Công tác dân số đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, đôi khi “động chạm” đến nhiều vấn đề tế nhị nên không dễ dàng gì đối với nam giới. Anh cho biết: “Ban đầu, việc vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở xóm An Thịnh gặp không ít khó khăn bởi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Quan niệm sinh "con đàn, cháu đống", muốn con trai để “nối dõi tông đường” còn rất phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, anh đã dành thời gian đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, giữ vững gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, anh còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền những chính sách dân số, các biện pháp tránh thai hiện đại, phân tích những khó khăn, vất vả của các gia đình đông con… tại các buổi họp, sinh hoạt của Hội Phụ nữ hay ngay trong quá trình lao động, sản xuất. Anh tâm sự “Để vận động được bà con, thì bản thân mình phải gương mẫu. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã chủ động thực hiện KHHGĐ sau đó mới vận động chị em và các cặp vợ chồng trong xóm thực hiện. Trong tuyên truyền, tôi thường nêu gương những gia đình sinh ít con, có điều kiện chăm sóc con cái thành đạt, đồng thời kể chuyện những gia đình đông con khiến kinh tế khó khăn, con cái không được học hành đến nơi đến chốn”.
 
Anh Thắng cho biết thêm: “Là nam CTVDS cũng có một số lợi thế. Địa phương anh ở miền núi, quan niệm mong muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường” chủ yếu xuất phát người chủ gia đình là nam giới vì thế anh có thể tiếp cận dễ hơn. Khi đã thuyết phục được các ông chồng, họ sẽ tự chủ động và thuyết phục vợ cùng thực hiện các biện pháp tránh thai”. Ngoài ra, việc “đả thông” tư tưởng cho các ông chồng cũng giúp cho việc đảm bảo sức khỏe sinh sản của bà mẹ, trẻ em được thực hiện thuận lợi hơn. Ví dụ như chuyện vận động chị em đến trạm y tế xã khám phụ khoa, áp dụng các biện pháp tránh thai trước đây thực hiện rất khó khăn, nhưng nhờ có sự vận động, thuyết phục bằng tình cảm, bằng sự chân thành của anh, nhiều ông chồng đã tự nguyện đưa vợ đến trạm. Đến nay, hơn 80% số gia đình ở An Thịnh đã sử dụng các biện pháp tránh thai, 100% phụ nữ trong độ tuổi được tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
 
Nhờ có sự nhiệt tình, tận tụy của anh Thắng, công tác DS-KHHGĐ ở An Thịnh I đạt được nhiều kết quả đáng mừng, trong 11 năm qua xóm chỉ để xảy ra 2 trường hợp sinh con thứ 3, đời sống và sức khỏe của bà con đã được cải thiện rõ rệt, số hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 13/86 hộ của toàn xóm.