Những ngày này, tin vui tới tấp bay tới gia đình Trần Thị Bích Hường, ở tổ 19, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên): Em vừa đỗ thủ khoa khối C của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với 25,5 điểm.
Hường cũng là thí sinh duy nhất đạt điểm 9 môn Lịch sử, điểm cao nhất của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh đại học khối C năm 2011. Trước đó, Hường đã gặt hái được nhiều thành công trong năm học 2010-2011: Đạt điểm cao nhất môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học này (với 18,5 điểm, đoạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi); điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh (56 điểm).
Gia đình Hường ở trong một ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình dưới những hàng cây xanh mát của tổ 19 phường Gia Sàng. Trò chuyện cùng bà ngoại, mẹ cũng như hàng xóm của em mới thấy được nghị lực của cô học trò bé nhỏ này: Gia cảnh của Bích Hường thuộc diện khó khăn nhất ở lớp 12 chuyên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Mẹ Hường hiện làm hộ lý ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên. Năm Hường học lớp 9 thì bố em mắc bệnh ung thư gan. Mẹ em vì quá lo lắng nên đã đẻ non cô em gái thứ hai của Hường khi mới mang thai được 7 tháng. Khi cô em gái Hường chào đời được 2 tháng thì căn bệnh quái ác đã cướp đi bố em. Điều kiện kinh tế của gia đình Hường vốn đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Cả gia đình gồm 3 mẹ con và bà ngoại chỉ trông vào suất lương của mẹ Hường, nên phải chi tiêu hết sức tằn tiện.
Bà Hoàng Thị Yến (bà ngoại của Hường), năm nay đã gần 70 tuổi, tâm sự: "Thương mẹ con nó, ngày ngày tôi ở nhà lo toan những việc vặt và trông nom đứa em của Hường. Công việc của mẹ cái Hường thu nhập không cao nên hàng ngày hết giờ làm việc lại phải đi nhặt chai lọ, giấy vụn của người nhà bệnh nhân vứt ra để bán kiếm thêm đồng rau cháo nuôi các con. Tôi chỉ biết dạy cháu mình là phải chịu khó học tập để kiếm lấy cái bằng, sau này nuôi bản thân mình, phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Cháu Hường rất tự giác trong việc học tập. Tôi và mẹ nó có biết gì đâu, cháu toàn tự học lấy. Không có tiền mua sách tham khảo, cháu mượn của bạn, rồi đi thư viện tìm đọc. Cháu đỗ đạt thế này tôi mừng lắm…".
Đối với mẹ của Hường - chị Phạm Thị Bích Hương - khi nghe tin con gái đỗ thủ khoa dường như chị không tin vào tai mình. Chị tâm sự: "Khi đưa cháu đi thi đại học, cháu bảo là làm được bài, tôi cũng rất tin tưởng vào khả năng của cháu, nhưng không dám nghĩ là cháu lại đỗ thủ khoa".
Nhìn những giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phòng Giáo dục T.P Thái Nguyên trao tặng cho Hường được treo trang trọng trên tường nhà, tôi hiểu sự nỗ lực của em đã được đền đáp xứng đáng. Được biết, trong 12 năm học liên tục bậc phổ thông, Hường đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 11 em đoạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia (thi vượt cấp chương trình lớp 12). Năm lớp 12 em giành giải Nhất với điểm số cao nhất của môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Nói về bí quyết học tốt môn Lịch sử, Hường cho biết: "Lúc đầu em cũng như nhiều bạn khác không quan tâm lắm tới môn Lịch sử, song khi tiếp cận nhiều em đã thực sự bị cuốn hút và say mê nó". Khi được hỏi vì sao Hường lại chọn thi vào Khoa Sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, em cho rằng: "Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là mái trường có truyền thống dạy các môn khoa học xã hội. Em ước mơ sẽ trở thành cô giáo dạy môn Lịch sử để góp phần truyền lại niềm say mê môn học này cho các em học sinh, để các em thêm yêu thích và trân trọng những gì mà ông cha ta đã để lại, từ đó tiếp nối, phát huy”…
Những ngày này, Hường đang tập trung ôn tập môn tiếng Anh để thi vào lớp chất lượng cao của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Trường có 2 hệ đào tạo là: hệ đào tạo chuẩn và hệ chất lượng cao) để có học bổng, như vậy sẽ đỡ đần mẹ trong việc nuôi em ăn học ở bậc đại học.
Trong khi rất nhiều học sinh phổ thông hiện nay không thích học môn Lịch sử, nhiều thí sinh thi đại học bị điểm rất kém môn học này, thì tấm gương của Trần Thị Bích Hường càng đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào…