Tình cờ gặp ông trong lần gặp mặt các cựu chiến binh nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) ở tổ dân phố 1A, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên; lần gặp sau, tôi được nghe ông kể về những năm tham gia chiến đấu khiến tôi nhớ mãi hình ảnh của người lính ấy. Ông là Nguyễn Văn Cẩm.
Năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng ông Cẩm vẫn rất cởi mở và minh mẫn khi trò chuyện cùng tôi. Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy trên tay ông tờ báo Công an Nhân dân, ông đọc mà không phải đeo kính lão. Ông bảo: Tôi rất thích đọc báo Công an Nhân dân, ngày nào tôi cũng đọc, đó là một thói quen hàng ngày không thể thiếu. Bởi đây là tờ báo phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, thông tin truyền tải nhanh chóng, chính xác. Đặt tờ báo xuống bàn, ông chậm rãi kể cho tôi nghe câu chuyện chiến đấu cách đây 60 năm.
Là người con của mảnh đất xứ Nghệ, quê hương của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Tháng 12-1949, ông cùng bao thanh niên địa phương khác lên đường nhập ngũ và đóng quân tại đơn vị 408 Thanh Hóa. Sau thời gian tham gia huấn luyện, ông cùng các chiến sĩ trong đơn vị tham gia chiến đấu giải phóng đồn Sầm Tớ ở biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, đơn vị ông chuyển ra Phú Thọ và được biên chế tại C409, E165, F312. Sau nhiều lần chuyển đơn vị, tham gia nhiều trận đánh khác nhưng ông bảo nhớ mãi về trận đánh giải phóng đồn Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào hào đánh theo cách vây lấn để đánh đồn, đồi Độc Lập. Trong trận vây lấn đó, hành trang của mỗi chiến sĩ ngoài súng đạn và cuốc xẻng, mỗi người được phát một nắm cơm, một tí muối và ít thịt trâu khô.
Nhấp một hớp nước ông tiếp tục kể: Trận đánh đồn, đồi Độc Lập, đơn vị hành quân theo đội hình hàng dọc, cự ly từ 0,80 - 1m một người. Khi vào vị trí bí mật, toàn đội được phân công vị trí cụ thể. Đầu tiên là phải đào hào lấy chỗ nằm, rồi đào đến tư thế ngồi, tư thế quỳ, dần dần phát triển thành giao thông hào. Trong khi quân đội ta đào hầm, đạn pháo giặc Pháp bắn liên tiếp. Phải nói dưới mưa bom đạn lửa, đứng trước sự sống và cái chết nhưng bộ đội ta vẫn một lòng chiến đấu, ra sức đào hào để phục vụ cho trận chiến. Dù hy sinh gian khổ, vậy mà chiến sĩ chúng tôi thường hát vui với nhau bằng điệu hò Tây Bắc, rằng: “Xẻng ta mà sắc ngọt ngào - Giao thông đào hào ta tiến băng băng - Đờ Cát mi có biết chăng - Cái ngày thất thủ của mày tới nơi”.
Bước vào trận địa Điện Biên Phủ, ngoài 16.000 quân Pháp và lính Âu Phi đóng tại các đồn bốt lớn trước đó còn có 2 sư đoàn của Pháp đóng ở sân bay Mường Thanh với âm mưu cố thủ Điện Biên Phủ. Nhưng do quân ta bao vây chặt, xung quanh có hầm hào, đêm ngày cảnh giác nên mọi hoạt động của địch bị gián đoạn. Bị kiềm chế, giặc Pháp càng hoảng loạn, không có lương thực, mọi sinh hoạt đều bị ta kiểm soát. Trong khi đó, vòng vây của quân ta ngày càng thắt chặt, các cứ điểm của Pháp bị thất thủ, quân Pháp ngày càng rối ren. Quân ta không chỉ bao vây các đồn bốt mà còn phát huy rất tốt mạng lưới phòng không. Máy bay Pháp bị ta bắn rơi nhiều nên việc tiếp tế lương thực, quân trang, quân dụng càng khó khăn do hầu hết các phần tiếp tế của địch bị ta thu giữ. Trong trận đánh ấy, ông đã bị gẫy tay, rụng 6 chiếc răng và hai chân bị bỏng nặng. Thế nhưng trong lòng một niềm hân hoan không thể kể xiết.
Năm 1960, do sức khỏe yếu ông xuất ngũ và chuyển ngành về Bộ Nội thương. Năm 1961, ông về làm công tác tổ chức ở Ty Thương nghiệp Thái Nguyên, sau 15 năm công tác ông về nghỉ hưu. Thế nhưng, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục tham gia vào công tác chính quyền ở địa phương với các chức vụ: Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ an ninh. Ông bảo: Từ khi về địa phương nhưng hễ có việc gì được giao thì dù nắng hay mưa ông đều tham gia tích cực. Nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương được ông cất giữ cẩn thận. Thỉnh thoảng ông lại kể cho con cháu nghe câu chuyện của thời trai trẻ, về trận đánh Điện Biên Phủ ác liệt năm xưa.
Bước sang tuổi 90 với 56 năm tuổi Đảng, nhân dân xóm phố coi ông như cây cao bóng cả, một người lính già sống mẫu mực. Ông Cẩm vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu cần phải biết giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, năng động sáng tạo trong lao động, sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng đáng với những gì mà ông cha ta đã đổ bao xương máu mới giành được.