Khi gặp anh Phạm Văn Tuy, xóm Hồng Thái I, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên chúng tôi vẫn rất bất ngờ với hình ảnh một người đàn ông dáng người nhỏ bé, thoăn thắt chẻ củi giữa sân bằng một cánh tay trái với 1 con mắt trái, cánh tay và con mắt còn lại đã mất bởi một tai nạn từ thời còn trai trẻ...
Nhâm nhi chén trà do chính tay anh trồng và chế biến, chúng tôi ngồi nghe anh Tuy kể về cuộc đời mình. Năm 1980, khi đang ở cái tuổi 17 đẹp nhất của cuộc đời, trong một lần làm đất trồng rau, anh đã cuốc phải mìn và bị mất đi cánh tay phải cùng một bên mắt phải. Tai nạn bất ngờ này khiến anh suy sụp và mất hẳn niềm tin với cuộc sống và chính mình. Nỗi đau về thể xác và tâm hồn còn chưa dịu thì bố, mẹ anh qua đời lại cứa thêm vào trái tim chàng thanh niên mới lớn vết thương mới. Trách nhiệm và tình thương của một người anh cả đối với 4 đứa em còn ngây thơ, nhỏ dại đã thôi thúc anh không thể gục ngã. Nén chặt nỗi đau trong lòng, anh lao vào tập luyện hoạt động bằng tay trái. Ban đầu mọi việc rất khó khăn, ngay cả việc vệ sinh cá nhân anh cũng không làm nổi, nên làm việc gì hỏng việc đó. Đã nhiều lần anh định buông xuôi nhưng nghĩ đến các em, anh lại đứng dậy tiếp tục luyện tập.
Trời không phụ công người, anh đã quen dần và trở nên thành thạo các hoạt động bằng tay trái, anh bắt tay vào làm kinh tế kiếm tiền nuôi các em. Sẵn có mấy đồi chè cha mẹ để lại, anh cần cù chăm sóc, đồng thời cải tạo thay thế các giống chè cằn cỗi bằng các giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao hơn. Nhờ đó đồi chè của gia đình anh đã nuôi các em khôn lớn, trưởng thành. Lo cho các em yên bề gia thất, anh mới nghĩ đến hạnh phúc của bản thân. Số phận đã lấy đi một con mắt và một cánh tay, nhưng cũng đã ưu ái cho anh một người vợ hiền lành, đảm đang. Chị Mai Thị Ánh, vợ anh là người con gái dịu hiền ở xóm bên, biết hoàn cảnh của anh chị rất thương cảm và cũng khâm phục nghị lực của anh, chính vì thế, chị đã vượt qua sự phản đối của gia đình và những dị nghị của làng xóm để đến với anh cùng nhau xây đắp hạnh phúc lứa đôi.
Tình yêu chân thực của đôi vợ chồng đã chắp thêm niềm tin và hy vọng vào một tương lai sáng lạn phía trước. Trên gần 6.000m2 đất của gia đình, một phần lớn anh dành để làm chè, ngoài ra, anh đã xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn và trâu, bò vừa lấy sức kéo, vừa tận dụng lương thực sẵn có của gia đình. Chỉ cho chúng tôi những vạt chè xanh mướt đang vào lứa của gia đình chị Mai Thị Ánh vợ anh cho biết: Sở dĩ chè của gia đình luôn xanh tốt thế này là do anh Tuy đã không quản ngại vất vả hằng ngày chăm chút. Ngay bên sườn đồi, anh đã đào ao vừa để thả cá vừa để lấy nước tích trữ tưới cho chè khi vụ Đông tới. Nhìn ao cá rộng được kè đá cẩn thận và xây tường bao xung quanh, tôi không thể tin nổi đây là công trình do một tay anh tự vác đá, khuân gạch để xây.
Anh Đỗ Văn Đoàn, Trưởng xóm cho biết: Lúc thấy anh Tuy có ý định đào ao nhiều người đã bảo anh liều vì từ xưa tới nay mọi người thường đào ao ở những chỗ trũng để tích trữ nước chứ mấy ai lên sườn đồi mà đào ao. Khi công trình đã xong, nước đã được bơm đầy ao với nhiều loại cá tung tăng lội anh đã mời mọi người đến thăm, lúc đó chúng tôi mới thở phào. Cũng nhờ có ao, nhà anh mới làm thêm được lứa chè Đông. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được 8 lứa chè, mỗi lứa từ 1,6-2 tạ búp khô.
Nhằm phát triển nghề làm chè truyền thống của gia đình theo một quy trình khép kín, anh đã tự mày mò tìm đọc qua sách báo, đồng thời đến thăm quan một số xưởng sản xuất của những hộ quanh vùng để học tập. Sau khi bàn với vợ đã bắt tay vào xây dựng nhà xưởng sản xuất, đóng gói chè. Cũng như xây kè ao, một mình anh khuân vác, xây trát toàn bộ phần thô của khu nhà xưởng, đến khi cao đến dầm cửa không thể làm tiếp, anh mới chịu thuê người về hoàn thiện nốt. Trong xưởng sản xuất với diện tích hơn 200m2 thoáng mát, với đầy đủ, trang, thiết bị sản xuất chúng tôi thầm khâm phục những việc làm của anh, những việc mà một người bình thường cũng khó làm được. Mô hình kinh tế này bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng đã trừ chi phí.
Không chỉ đầu tư phát triển cây chè và chăn nuôi, anh còn dành thời gian để sưu tầm và phát triển vườn cây cảnh trong khuôn viên của gia đình. Nhìn vườn cây cảnh với nhiều loại cây được cắt tỉa, tạo dáng đẹp mắt, tôi hỏi: Anh làm nhiều việc như vậy có sợ ôm đồm quá không? Nở nụ cười hồn hậu, anh tâm sự: Sức con người ai cũng có hạn, công việc bề bộn, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi, nhưng chăm sóc cây cảnh không phải là ôm đồm đâu nhé, đó chính là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của tôi đấy. Sau những lúc lăn lộn với các công việc khác, được tự tay chăm sóc, cắt tỉa và tạo dáng cho vườn cây cảnh do mình tạo dựng, tôi thấy mình đã tìm được những phút giây thư giãn tuyệt vời.