Ông là Nguyễn Mạnh Liên người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, một cán bộ hội năng động, nhiệt tình đã mang về cho bà con trong xóm nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày đầu Xuân, cánh đồng xóm Làng Lê, xã Động Đạt (Phú Lương) chìm trong màn mưa bụi. Nhưng trên cánh đồng của xóm vẫn tấp nập tiếng máy cày, bừa lật đất chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Cũng ở đây, tôi gặp ông Nguyễn Mạnh Liên đang mê mải cày, bừa trên thửa ruộng của gia đình. Thỉnh thoảng tôi thấy ông dừng máy cày, lấy máy điện thoại di động để a lô với ai đó. Hỏi chuyện, ông bảo: Bà con nông dân trong xóm gọi điện hỏi tôi về thời vụ gieo mạ, cách giữ ấm cho mạ trong những ngày mưa rét đầu năm.
Là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, nên bà con thường xuyên hỏi ông Liên về thời vụ gieo trồng, cụ thể đến từng mùa là nên trồng, cấy cây gì cho hợp lý. Bởi theo bà con nông dân: Ông Liên không chỉ là người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, mà còn là một cán bộ hội năng động, nhiệt tình và đã mang về cho bà con trong xóm nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Vậy mà khi trò chuyện với ông về một số mô hình thâm canh mới đang được ứng dụng ở xóm, ông khề khà kéo một hơi thuốc lào rồi bảo: Mình là nông dân, trồng cấy không có khoa học thì mình đói... Câu chuyện cứ mộc mạc trôi, song ông Liên đã để lại cho tôi một ấn tượng dễ mến về một lão nông chân lấm tay bùn. Qua trò chuyện chúng tôi biết: Ngoài 3 sào ruộng của gia đình, hằng năm ông Liên còn thuê thêm 5 sào đất ruộng để cấy lúa, trồng màu. Trong sản xuất, thấy ai ở xã có kinh nghiệm làm hay ông cũng tìm đến học hỏi. Khi được phổ biến về kỹ thuật sản xuất lúa SRI, ông mạnh dạn đăng ký với xã và Trạm Khuyến nông huyện được tham gia gieo cấy tại 3 sào đất của gia đình. Thấy ông làm SRI, ban đầu nhiều người bảo ông bị gàn dở, vì từ trước tới nay nông dân trong xóm thường cấy từ 3 đến 5 dảnh mạ/khóm. Kỹ thuật sản xuất lúa SRI chỉ cấy 1 rảnh/khóm. Ông Liên bảo: Tuần đầu sau cấy, ruộng nhà tôi kém màu xanh hơn so với các ruộng đối chứng. Có người bảo tôi vụ này chắc không có rơm để gặt. Vậy mà chỉ hơn chục ngày sau, lúa trong ruộng nhà tôi đua nhau lên lấp kín bờ, khi thu hoạch 1 sào lúa của tôi đạt năng suất 237kg, cao hơn 35kg so với các ruộng đối chứng.
Ngay sau vụ Xuân đó, nhiều hộ trong xóm đã đến học hỏi ông Liên và cùng cấy lúa theo hướng dẫn kỹ thuật SRI. Nhiều hộ đã trồng lúa theo kỹ thuật SRI hết diện tích như gia đình bà Nguyễn Thị Ái, cấy 10 sào; gia đình ông Ngô Đức Toàn cấy hơn 10 sào... Đặc biệt, nhóm sở thích trồng lúa SRI của chi hội nông dân đã thu hút được 10 hộ tham gia, mỗi hộ đóng 10.000 đồng/tháng để giúp đỡ hộ khó khăn vốn mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn đồng đất có nhiều ruộng bỏ hoang sau 2 vụ lúa, cuối năm 2010 ông Liên vận động được 4 hộ trong Chi hội sử dụng 10 sào đất trồng khoai tây Hà Lan theo Dự án của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh. Thêm 1 vụ khoai tây thắng lớn, năng suất đạt gần 5 tạ/sào. Gia đình ông Liên và gia đình ông Ngô Đức Toàn trồng 3 sào/hộ, thu được hơn 15 triệu đồng. Hộ bà Từ Thị Hường và gia đình ông Nguyễn Văn Thuỷ trồng 2 sào/hộ, thu được gần 10 triệu đồng. Ông Liên cho biết: Vụ khoai tây năm 2010 được giá, bán dịp giáp Tết Nguyên đán 2011 có buổi chợ được 20.000 đồng/kg. Cũng vì thế mà bà con trong xóm theo nhau trồng khoai tây. Vụ Đông năm 2011, tuy thời tiết khắc nghiệt, năng suất khoai tây đạt hơn 3 tạ/sào, giá bán được 7.000 đồng/kg, giá bán thấp hơn rất nhiều so với vụ khoai trước, tuy vậy nhiều hội viên nông dân vẫn gắn bó với cây khoai tây.
Nhớ dạo đầu năm 2011, ông Liên dẫn đầu 24 hội viên nông dân của Chi hội về xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để tham quan, học hỏi về quy trình làm chè chất lượng cao (Cả xóm có hơn 50 ha chè). Nhờ chuyến đi này, nhiều hội viên nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, kết quả là đã nâng cao được giá trị sản phẩm chè của gia đình lên gần gấp đôi so với cách làm trước đây, điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Tuyên và ông Đinh Tiên văn... Ông liên tâm sự: Bà con đặt lên vai cái chức Chi hội trưởng Chi hội nông dân thì mình gánh. Nhưng cũng phải tích cực đi vận động thì bà con mới vào hội và tham gia các hoạt động phong trào... Được biết: Trong 2 năm 2010, 2011, Chi hội đã kết nạp mới được 18 hội viên. Số tiền quỹ do hội viên đóng góp hiện nay đạt 800 nghìn đồng/người, tổng quỹ đạt 56 triệu đồng. Toàn bộ tiền quỹ được Chi hội sử dụng cho các gia đình hội viên vay phát triển sản xuất, thăm hỏi hội viên và thân nhân hội viên bị ốm đau, hiếu hỷ. Cũng nhờ có tiền vay đúng lúc, năm 2011 Chi hội nông dân xóm Làng Lê đã có thêm 4 gia đình hội viên thoát nghèo.