Một nông dân năng động

09:33, 23/02/2012

Cũng như nhiều nông dân sinh sống ở vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), trước những năm tám mươi của thế kỷ trước, gia đình ông Ái chưa mặn mà với cây chè, nên phần nhiều đất vườn, bãi của nhà dành trồng cây ăn quả, cây vườn tạp không cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1985, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, nhìn nhà cửa tạm bợ, ông dồn sức vào việc đào đất, đóng gạch, xây nhà ở. Khi nhà đã xây xong, thấy vườn tược ngổn ngang, nhiều lần nhìn vào đôi bàn tay chai sần, ông nghĩ: Mình không thể sống túng thiếu mãi khi trong tay có tới gần 9.000 m2 đất đồi, bãi và ruộng cấy lúa.

 

Nghĩ là làm, ông bắt đầu thiết kế lại vườn bãi. Khu đất thấp ông cùng vợ san bạt, cải tạo thành từng vuông ruộng phẳng, chỗ đất cao vợ chồng ông chặt bỏ cây vườn tạp, đào rạch, rồi cất công lên thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) mua hạt chè giống về trồng. Để cây chè phát triển tốt, sau khi đào rạch, ông trải xuống 1 lượt phân chuồng hoai mục, phủ thêm lượt đất mỏng rồi mới tra hạt chè. Những năm đầu, khi chè chưa phát tán ông trồng xen giữa các lạch chè cây đậu, lạc, vừng… vừa có thêm thu nhập, lại có phân xanh cải tạo đất tại chỗ. Bà Phạm Thị Xuân, vợ ông Ái cho biết thêm: Trong 3 năm, từ 1985 đến 1988, vợ chồng tôi tập trung trồng được hơn 10 sào chè.

 

Đến những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, chè của gia đình ông Ái bắt đầu cho thu hoạch, nhưng chè vẫn chủ yếu được chế biến thủ công. Ông Ái tiếp lời vợ: Những năm đó làm ra được cân chè cực lắm, toàn xao chè bằng chảo, chè vừa đổ ra khỏi chảo lại phải vò bằng chân, nóng rát, cứ nhảy vào rồi lại nhảy ra. Mất cả ngày vợ chồng thay nhau ôm lấy cái chảo, khói, nóng và phải mất rất nhiều mồ hôi mới có được ấm chè ngon mang bán. Đỡ lời chồng, bà Xuân kéo tôi ra trước nhà, chỉ cho xem cái chảo gang, bảo: Bây giờ, cái chảo nằm yên trong góc vườn không ai đả động đến, vì việc sao chè đã được thay thế bằng máy chạy điện.

 

Xác định cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình, nên ông Ái luôn trăn trở, tìm cách làm hiệu quả hơn. Thấy trong xã có người dùng tấm tôn phẳng sấy chè, ông Ái đã đến xem, rồi về giục vợ đi mua ngay về làm. Nhờ đó, vợ chồng ông không phải mỗi lần sau khi thu hái chè lại thay nhau ngồi ôm lấy cái bếp như trước đây. Và để không phải dùng đôi chân vò chè, ông đã bán gần 3 chỉ vàng (1996) mua một chiếc máy vò mini về sử dụng. Nhờ năng động, chịu khó học hỏi và tích cực áp dụng các biện pháp sản xuất, chế biến chè an toàn, vườn chè của gia đình ông Ái luôn có năng suất cao,  trung bình hằng năm chè của gia đình ông cho thu hoạch được 8 lứa chè, năng suất ổn định 12 kg búp khô/sào/lứa. Để sản phẩm chè đem lại giá trị kinh tế cao, từ hơn 5 năm nay, gia đình ông đầu tư làm chè an toàn sinh học trên toàn bộ diện tích của gia đình. Đặc biệt về mùa khô, ông sử dụng máy bơm nước tưới dưỡng cho cây chè phát triển ổn định. Bấm đốt tay ông cho biết: 10 sào chè của gia đình mỗi năm thu hoạch được gần 1 tấn búp khô, trừ chi phí đầu tư tôi còn có lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

 

Vào thăm khu nhà xưởng chế biến chè của gia đình, chúng tôi thấy nền nhà luôn sạch sẽ, chè sau khi thu hái về được gia đình ông Ái dải đều trên tấm bạt lớn. Cạnh đó còn có một giàn giá gồm các tấm nong, nia lớn để chè không bị ôi ngốt. Ông Ái khoe: Năm 2009 tôi dựng khu nhà chế biến này, với tổng diện tích rộng hơn 200 m2, nền lát gạch, mái lợp tôn, có quạt trần làm mát và hệ thống chế biến chè gồm 2 máy sấy, 2 máy vò chè. Đặc biệt là hiện nay gia đình tôi đã sử dụng máy vò, máy tôn quay bằng tôn INOX, như vậy trong quá trình chế biến, không lo bị rỉ tôn lẫn trong chè. Còn bà Xuân cho biết thêm: Gia đình tôi sản xuất ra 3 loại chè, gồm chè móc câu, chè tôm 2 và chè nõn. Quy trình sản xuất từng loại chè được bắt đầu từ khi thu hái, như chè móc câu hái 1 tôm 2 lá, chè tôm 2 hái 1 tôm 2 lá, chè nõn hái 1 tôm và 1 lá mới hé mở. Sau khi thu hái chè được rải vào các nong, nia xếp thành từng ngăn trên giàn giá. Làm như vậy búp chè không bị dập nát hoặc bị ôi ngốt. Ngay trong ngày chè tươi được đưa vào xao, vò và sấy khô. Chè làm ra, tôi chỉ nhấc máy điện thoại, a lô... tư thương đến tận nhà, có bao nhiêu đều thu mua hết.

 

Không chỉ lo làm giàu cho mình, ông Ái còn tích cực vận động bà con trong xóm tham gia sản xuất chè an toàn, như không sử dụng các loại hóa chất độc hại Nhà nước cấm phun cho chè, mà chỉ sử dụng thuốc thảo mộc sinh học, đồng thời hạn chế bón phân hoá học. Trong quá trình chế biến không rải chè trực tiếp trên nền nhà, như thế mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ năng động, tích cực vận động bà con cùng tham gia làm chè an toàn, nên từ tháng 6-2010 đến nay, ông Ái được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ chè an toàn của xóm Gò Pháo.