Người cán bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi

08:54, 12/02/2012

Từ mô hình kinh tế tổng hợp (trồng chè và chăn nuôi…) mỗi năm, chị Mai Thị Hà xóm Hái Hoa 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Chị  luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các gia đình trong xã về vốn, kỹ thuật cùng phát triển kinh tế. Chị được nhiều người kính trọng, quý mến, nhiều năm nay, chị Hà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phấn Mễ.

 

Sau khi tiếp chúng tôi bằng ấm chè xuân thơm ngon do chính tay mình làm ra, chị Hà dẫn chúng tôi dạo quanh nông trang của gia đình. Ngoài khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, bao quanh ngôi nhà xây xinh xắn là những vạt chè và khá nhiều cây sanh. Chị tâm sự: Hai vợ chồng cưới nhau trong lúc khó khăn. Vốn liếng là hai bàn tay và mảnh đất khá rộng của ông bà để lại. Năm 1997, tôi  may mắn được vay tín chấp 4 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông qua Hội LHPN xã để đầu tư chăn nuôi. Sau nhiều năm phấn đấu, cuộc sống dần ổn định và có điều kiện thực hiện thêm các mô hình kinh tế khác.

 

Từ số vốn vay tín chấp, chị đã đầu tư vào chăn nuôi 10 con lợn thịt. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và sự “mát tay” nên nguồn vốn ban đầu đã bước đầu đem lại hiệu quả. Vài lứa tiếp theo, chị nâng dần số lượng đàn lợn. Sau đó, gia đình chị nuôi thêm lợn nái để nhân giống. Cứ thế, gia đình chị lại tiếp tục nâng cấp, xây dựng mở rộng chuồng trại. Đến nay, với 4 con lợn nái, chị Hà duy trì 70 đến 80 con lợn thịt/năm, trừ hết chi phí  thu lãi vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình chị đã có điều kiện để đầu tư vào các cây, con giống khác, tận dụng hết quỹ đất trống. Chị dành nhiều công sức cải tạo lại diện tích chè sẵn có của gia đình. Cây chè đã đem lại thu nhập chính cho gia đình chị trong suốt bao năm qua. Nhưng trước đây, gần 3.000 m2 chè của gia đình là giống chè trung du, cho năng suất và giá thành thấp, nay chị đã thay thế một nửa diện tích chè trung du bằng giống chè cành NDT1, cho năng suất cao. Ước tích mỗi lứa, chị cũng thu được trên 80 kg chè búp khô, bán với giá trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Ngoài ra. Gia đình chị còn có ao rộng hàng nghìn mét vuông, vừa thả cá vừa nuôi bèo để làm thức ăn cho lợn. Trong khu vườn rộng hàng trăm mét vuông, mỗi lứa, chị thả trên 200 con gà ta, mỗi năm thu  được 3 đến 4 lứa.

 

Thấy chúng tôi tò mò vì ngoài sân và bên cạnh vườn chè có rất nhiều cây sanh được chăm sóc cẩn thận, chị giải thích: “Mấy năm nay, ngoài việc giúp đỡ gia đình, ông xã tôi bắt đầu chơi cây cảnh. Tuy là giải trí nhưng nó cũng có thêm thu nhập bởi đây là trào lưu đang được nhiều người ưa thích”.

 

Khi được hỏi về “kinh nghiệm” làm kinh tế của gia đình, chị chia sẻ: “Tôi thường xuyên tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp, các cây con, giống mới cho năng suất, chất lượng cao trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các chương trình khuyến nông - lâm của huyện, xã. Bên cạnh đó, tôi đi thăm quan mô hình kinh tế ở nhiều nơi khác để học tập và áp dụng tại gia đình”.   

 

Không chỉ tập trung làm giàu cho gia đình, chị Hà còn là một Chủ tịch Hội LHPN xã năng động, gương mẫu được nhiều người quý mến. Chị không ngần ngại chia sẻ với các chị em những kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong các chương trình của Hội LHPN tỉnh, huyện được triển khai xuống xã, chị đều hăng hái, tích cực để thực hiện một cách hiệu quả nhất. Đơn cử như việc triển khai mô hình sản xuất lúa Bao thai giống của huyện (từ năm 2006), chị đã phổ biến rộng rãi đến các hội viên trong xã. Kết quả, trong 5 xóm (khoảng 500 hội viên) được lựa chọn triển khai thực hiện thì có đến 75% hội viên tham gia. 100% hội viên đều được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; tìm hiểu chính sách vay vốn… Tính đến thời điểm này, Hội LHPN xã đã tín chấp trên 4 tỷ đồng cho các hội viên vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Nếu như năm 2006, Hội LHPN xã Phấn Mễ có đến 18% số hộ hội viên nghèo thì đến nay con số ấy đã giảm xuống dưới 10% (trong tổng số 1.226 hội viên).

 

Nói về chị Hà, đồng chí Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương nhận xét: “Có thể nói, mô hình kinh tế của gia đình chị Mai Thị Hà là một điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình để hội viên học tập và làm theo. Bên cạnh đó, chị còn là một người năng động, tích cực và nhiệt tình trong vai trò của Chủ tịch Hội LHPN xã. Nhờ đó mà nhiều năm qua, Phấn Mễ luôn là một xã xuất sắc trong các phong trào thi đua, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế của Hội LHPN huyện Phú Lương”.