Vào nghề được mấy năm, phóng viên Hải Hằng, phòng Phóng viên Kinh tế (Báo Thái Nguyên) là một cây viết “có duyên” với các cuộc thi thi báo chí nhất là cuộc thi viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Thái Nguyên phát động. Tháng nào cũng có tác phẩm viết về chủ đề này và 4 tham gia Cuộc thi, năm nào Hằng cũng được giải.
Từ những chuyến thực tế ở cơ sở, phóng viên Hải Hằng đã viết bài “Hết lòng vì việc chung” như một phát hiện mới mà cũng rất bình dị trong cuộc sống. Bài báo nói về bà Vũ Thị Ninh, Trưởng xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương) với những việc làm hết sức giản dị, đời thường, xuất phát từ cái tâm, trăn trở tìm nghề để người dân làm có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Trong một chuyến thăm người bà con ở Hà Nội đang làm việc tại Công ty Trang thiết bị bảo hộ lao động. Qua trò chuyện, bà Ninh đem niềm trăn trở tìm nghề phù hợp với trình độ lao động nông thôn và được gợi ý về nghề may gia công trang phục bảo hộ lao động. Bà đã rất vui mừng, gom hết tiền tích cóp của mình được 25 triệu, sau đó trở lại Hà Nội học nghề và nhờ người bà con mua hộ 6 chiếc máy khâu. Bà Ninh đã nhận vải về nhà cắt, rồi hướng dẫn cho chị em trong xóm may.
Để chị em vững tay nghề, bà Ninh đã liên hệ với Hội Nông dân huyện xin hỗ trợ mở lớp may gia công. 30 chị em của xóm đã tham gia lớp học và có thể hoàn thành 7-9 sản phầm mỗi ngày, thu nhập khoảng 50 nghìn đồng, nhiều người thành thạo có thể may 25-30 sản phẩm, thu nhập 100-150 nghìn đồng/ngày. Không chỉ mang nghề về cho chị em, bà Ninh còn được người dân ở Na Pặng biết đến bởi bà đã không đắn đo khi bỏ tiền túi để thành lập đội bóng đá, mua sắm trang phục, nấu cơm phục vụ đội bóng trong các giải đấu do xã tổ chức và đều giành giải, điều mà trước đây xóm chưa bao giờ làm được. Bên cạnh phong trào thể thao, bà Ninh còn vận động thành lập đội văn nghệ của xóm với 12 người, bỏ tiền túi để thuê trang phục, biểu diễn phục vụ bà con nhân dân xóm, xã...
Những việc làm của nhân vật trong bài viết hết sức giản dị, xuất phát từ đòi hỏi của thực tế cuộc sống nhưng không phải ai cũng làm được như vậy mà đòi hỏi phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, hy sinh lợi ích bản thân. Nói về bài viết này, phóng viên Hải Hằng chia sẻ: Nhiều người cho rằng việc tìm đề tài để viết về chủ đề này rất khó, song tôi lại nghĩ là học Bác đâu chỉ có những điều cao siêu, những thành tích xuất sắc mà ngay từ những việc làm giản dị nhất như: Đức tính cần cù, tiết kiệm, nhiệt tình, nếp sống ngăn nắp, cư xử hòa nhã… Trong xã hội, ai cũng có đức tính đó và đều có thể học Bác bằng những việc làm cụ thể trên từng vị trí công việc, cuộc sống của mình.
Về tác phẩm, tôi gặp nhân vật khi bà đang tất bật vừa cổ vũ cho đội bóng đá của xóm tham gia giải do xã tổ chức, vừa lo phục vụ nước uống, rồi “chỉ đạo” con cháu nấu cơm cho các cầu thủ. Hỏi ra mới biết, kinh phí để làm những việc này là một phần lương hưu của bà dành dụm được và phụ cấp của Trưởng xóm, HĐND xã. Tôi thực sự xúc động và bị hấp dẫn bởi nhân vật, rồi tôi tìm hiểu kỹ hơn và viết về bà. Tôi nghĩ, phóng viên chịu khó đi cơ sở thì chắc chắn sẽ được gặp nhân vật, nghe nhân vật tâm sự, trao đổi trực tiếp thì sẽ có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần nhân rộng những gương người tốt, việc tốt và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...