Gia đình đảng viên - công giáo tiêu biểu trong phát triển kinh tế

08:54, 28/06/2012

Đến xóm 4, xã Hùng Sơn (Đại Từ), hỏi thăm nhà bà Đỗ Thị Thúy, chúng tôi được nhiều người dân ở đây chỉ đường và nói: Đó là gia đình đảng viên làm kinh tế giỏi với mô hình VAC tổng hợp, đồng thời là tấm gương tiêu biểu về gia đình công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo” ở khu dân cư.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Thúy cho biết: Năm 2002, tìm hiểu trên mạng internet và tham quan nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, gia đình bà bắt tay vào chăn nuôi và thành công với mô hình nuôi 20 con lợn nái ngoại. Năm ấy, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi 50 triệu đồng. Thấy chăn nuôi lợn nái ngoại cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó, mỗi năm, bà lại nuôi tăng lên 10 con. Bên cạnh đó, gia đình bà cũng mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc và thuốc thú y; dịch vụ làm trang thiết bị chuồng trại chăn nuôi.

 

Năm 2006, là một trong số nhiều hộ dân bị thu hồi hơn 2 sào đất nông nghiệp cho Dự án công nghiệp núi Pháo, bà đề nghị với chính quyền xã tạo điều kiện chuyển đổi một số diện tích đất gia đình đã mua của các hộ dân để mở rộng trang trại nuôi lợn. Năm 2007, vợ chồng bà dành toàn bộ số tiền tích góp được, cùng với vay mượn của anh em họ hàng và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đầu tư hơn 2 tỷ đồng để san mặt bằng trên 9.000m2 xây dựng trang trại nuôi lợn nái ngoại ở xã Hùng Sơn. Có người lúc đó cho rằng ông bà dở hơi, người lại cho nhà bà quá liều, nếu chẳng may sa cơ lỡ vận thì sẽ trắng tay. Năm 2008, khu trang trại mới hoàn thành.

 

Hiện, trang trại của gia đình bà có 120 con lợn nái và hàng trăm lợn thịt, mỗi tháng xuất trên 100 con lợn giống. Ngoài nuôi lợn, trong khu trang trại còn có diện tích ao thả cá, khu vườn nuôi gà thịt. Năm 2010, tận dụng diện tích tại gia đình, bà nuôi thêm 4.000 con gà bố mẹ và gà thịt cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Thúy tâm sự: Tôi chọn nuôi lợn nái ngoại vì nó ít bị ảnh hưởng bởi các loại dịch bệnh, hơn cả là dù thị trường biến động nhưng nguồn lợn giống không bao giờ bị mất vốn, trường hợp thất bại chỉ là hòa vốn. Vì vậy, mặc dù những năm dịch bệnh tai xanh bùng phát nhưng lợn giống của bà bán ra vẫn không hề sụt giảm. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình bà có doanh thu gần 2 tỷ đồng, năm 2011, số tiền lãi là trên dưới 2 tỷ đồng.

 

Trang trại của gia đình bà Thúy đã tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình bà đã mua được ô tô riêng trên 1 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị hiện đại khác. 10 năm qua, gia đình bà đã “đỡ đầu” cho nhiều hộ chăn nuôi trang trại khác trên địa bàn huyện Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương thậm chí cả huyện Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) phát triển.

 

Từ năm 2006 đến nay có khoảng 20 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại theo mô hình trang trại đã được bà Thúy trực tiếp giúp đỡ về kỹ thuật, thiết bị chuồng trại, con giống và vốn (cung cấp thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y theo hình thức trả chậm). Gia đình ông Trần Văn Giảng, xã Tân Linh là một ví dụ. Ông Giảng cho biết: Bắt đầu chăn nuôi lợn nái từ năm 2011 với quy mô 15 con, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn song từ đó đến nay, ngoài được hỗ trợ trực tiếp về con giống, tư vấn xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi tôi còn được bà Thúy tạo điều kiện mua chịu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình bà Thúy còn tích cực tham gia ủng hộ  các loại quỹ từ thiện và công trình phúc lợi của xóm, xã. Đồng thời là tấm gương gia đình công giáo tiêu biểu sống “tốt đời, đẹp đạo” trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”. 12 năm qua, gia đình bà Thúy đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa xuất sắc. Cá nhân bà Thúy được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010 và nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong sản xuất kinh doanh giỏi...

 

Nhận xét về gia đình bà Thúy, ông Đỗ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Gia đình chị Thúy là một trong những gia đình đảng viên – công giáo tiêu biểu của xã trong việc mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chị Thúy còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện, sống giản dị, hòa đồng ở khu dân cư...