Cuối năm 1981, trở về nơi chôn rau cắt rốn - xóm Trung tâm, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), cựu chiến binh Trương Văn Phong phải chung sống với mảnh đạn còn găm lại trong cơ thể. Những khi trái gió, trở trời, vết thương tấy nhức, toàn thân đau ê ẩm.
Gần 5 năm phục vụ trong quân đội (1977-1981), anh cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ở Công Pông Chàm (Cam Pu Chia). Trận đánh cao điểm 17 anh bị một mảnh đạn M79 găm vào đùi trái. Trận đánh cao điểm 53, quả pháo thù rơi vào trận địa, sức nóng của thứ vũ khí gây sát thương khiến anh ngất xỉu. Anh trở thành thương binh ¾.
Về quê hương, dấn thân vào mặt trận xoá đói giảm nghèo, anh phải đối diện với nhiều khó khăn. Anh bảo: Khi khó khăn nhất, tôi luôn nhớ tới lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bằng mọi cố gắng, tôi gượng dậy để tạo lập cuộc sống cho chính bản thân mình.
Năm 1986, anh xây dựng hạnh phúc cùng chị Nguyễn Thị Thục, người con gái của làng chè xã Phúc Trìu. Bố mẹ nghèo song cũng chia cho vợ chồng anh 600m2 đất đồi, 4 sào ruộng và dựng tạm cho con căn nhà lợp cỏ. Chị Thục đỡ lời chồng: Cực lắm, cái nồi nấu ăn vợ chồng cũng phải đi mượn của hàng xóm. Mái nhà cỏ gặp trời hanh, cong vểnh lên khiến ngày nắng ngồi trong nhà nhìn thấy mặt trời, gặp hôm mưa vợ chồng quấn túm lấy nhau, chạy góc nào cũng dột.
Vậy mà vợ chồng người thương binh Trương Văn Phong đã làm nên được điều kỳ diệu cho chính bản thân mình. Từ đôi bàn tay trắng, cuộc sống sắn, khoai thay cơm và bằng những đồng tiền vay nhỏ lẻ của bà con chòm xóm, anh chị mua được con lợn nái, dăm con gà về nuôi. Song con tạo trêu ngươi, sau một năm vợ chồng anh phải bán lợn nái vì không có đủ tiền mua cám chăn. Mất thêm 1 năm gom củ sắn, hạt lúa trên khu đất bố mẹ cho, kinh tế gia đình dần ổn định, vợ chồng anh chọn cách nấu rượu, chăn lợn và đi lấy củi bán. Lấy củi, nấu rượu để cầm cự duy trì chăn nuôi. Anh bảo: Lợn nái của nhà đẻ được bao nhiêu, tôi để nuôi, khi lớn lại thịt bán giao cho người bán lẻ ngoài chợ. Chịu khó làm ăn, tằn tiện chi tiêu, đến năm 1990 tôi có đủ tiền mua lại mảnh đất rộng hơn 1.200m2 của một hộ trong xóm.
Ở khu đất rộng rãi, bằng phẳng mới mua được, vợ chồng anh quy hoạch thành từng khu chăn nuôi lợn, gà. Anh bảo: Để chủ động giống vật nuôi, tôi gột lợn nái và chăn nuôi gà đẻ. Lợn đẻ ra bao nhiêu, gà ấp nở bao nhiêu, tôi nuôi tất và chỉ bán khi lợn đã to, gà đã lớn. Đến năm 1999, ngoài xây được ngôi nhà mái bằng 3 gian, tôi còn có 3 gian nhà ngang khang trang, tất cả đều bằng tiền chăn lợn, nuôi gà.
Nhìn đàn lợn mũm mĩm, con nào da cũng đỏ hồng vì được ăn bỗng rượu, tôi mới thấy quy trình sản xuất khép kín của người nông dân thương binh Trương Văn Phong rất khoa học. Mỗi ngày gia đình anh dùng 500kg gạo nấu rượu, toàn bộ bỗng rượu dùng trộn với cám ngô, hoặc cám gạo cho lợn ăn, chất thải chăn nuôi dồn xuống bể biôga không gây ảnh hưởng tới môi trường, lấy khí đốt nấu rượu và sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Song để hoàn thiện một quy trình khép kín trong chăn nuôi quy mô gia đình, anh đã mất 5 năm cần kiệm mới xây dựng xong khu chăn nuôi lợn rộng 200m2.
Với 8 lợn nái, trung bình trong chuồng thường xuyên có 80 đầu lợn, lúc nhiều nhất anh nuôi 98 con. Nuôi gối lứa nên anh thường xuyên có lợn xuất bán. Cách chăn nuôi này anh không bị động về vốn, hơn nữa không lo bị phá sản do thị trường biến động giảm giá. Đặc biệt anh tích cực đi thăm quan các mô hình chăn nuôi lợn có hiệu quả ở các xã lân cận, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về cách phòng bệnh, chữa bệnh cho lợn, vì thế trong nhiều năm vừa qua, đàn lợn của gia đình anh chưa lần nào bị mắc dịch bệnh. Vì thế mỗi năm gia đình anh đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn lợn. Năm 2011, anh mạnh dạn mượn thêm hơn 100m2 đất của bà ngoại (mẹ vợ) ở xã Phúc Trìu, đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây dựng thêm khu chăn nuôi theo hệ thống trang trại, trong chuồng được lắp đặt hệ thống tự động cho ăn, uống và làm mát. Anh cho biết: Năm 2011, gia đình tôi xuất bán được 15 tấn lợn hơi, trừ chi phí lãi hơn 130 triệu đồng. Sang 7 tháng đầu năm 2012, do lợn nuôi bị mất giá, tôi xuất bán được 2 lứa, mỗi lứa 30 con, mỗi con chỉ được lãi 100.000 đồng.
Công việc làm ăn bận rộn, nhưng ngôi nhà của vợ chồng người thương binh Trương Văn Phong luôn là nơi hội ngộ của những người từng một thời quân ngũ. Họ chung vai, sát cánh, đoàn kết “chiến đấu” trên mặt trận xoá giảm đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Giữa cuộc sống đời thường, anh năng động, sáng tạo, được đồng đội cũ và người dân trong vùng quý mến. Nhiều cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn được anh giúp đỡ bằng cách trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, và được vay vốn không lấy lãi đầu tư cho sản xuất. Nhờ vậy nhiều cựu chiến binh đã có cuộc sống ổn định hơn, như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đức Đặng, Trần Văn Đối. Anh tâm sự: Ngày trước tôi từng ở lều cỏ, được nhiều người động viên, giúp đỡ, nay tôi có điều kiện kinh tế, giúp đỡ bạn bè, bà con chút tiền vốn, kinh nghiệm sản xuất để cùng vươn lên trong cuộc sống... có gì đáng để nhắc đâu.