Đến tổ 22, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên, khi hỏi thăm đường đến nhà bà Đặng Thị Niêm, tôi được nhiều người dân ở đây cho biết: Bà Niêm sống khiêm tốn, giản dị, hết mực vì chồng con và được mọi người quý mến. Trong nhà có 4 người, thì chồng và 2 con của bà đều là PGS, Tiến sĩ.
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất Hoà An, Cao Bằng. Từ nhỏ, bà đã có ước mơ sau này trở thành một cô giáo dạy chữ cho con em trong vùng. Bà bảo: Cao Bằng là tỉnh phên dậu phía Bắc Tổ quốc, đời sống của đồng bào các dân tộc còn có nhiều khó khăn, tôi nghĩ làm giáo viên, mình sẽ có nhiều cơ hội tốt để rèn dạy cho trẻ em vùng cao ý thức ham mê học tập.
Ước mơ của bà trở thành hiện thực - đó là vào những năm của thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm của tỉnh, bà được điều động về công tác ở huyện Hoà An. Cũng như bao phụ nữ khác, bà lấy chồng, sinh con. Chồng bà là người cùng thôn, ông công tác ở Viện Chăn nuôi Quốc Gia (Bộ Nông nghiệp - PTNT). Bà tự hào: Bố chồng tôi là cán bộ lão thành Cách mạng; mẹ chồng được Chính phủ tặng Bằng có công với nước. Về làm dâu, chưa một ngày tôi để bố, mẹ chồng phật ý. Trong khi đó chồng tôi phải công tác xa nhà, cả năm mới được nghỉ nửa tháng phép, 2 đứa con 1 gái, 1 trai lúc nào cũng đòi mẹ mang bố về.
Gần 8 năm công tác ở Viện, năm 1973, chồng bà - ông Nguyễn Khánh Quắc được lãnh đạo đơn vị cử đi làm nghiên cứu sinh ở Hung Ga Ri. Khi đó cả 2 con bà là Gấm và Doanh đều còn nhỏ, chưa có chỗ gửi trẻ, bà phải mang đến trường, vừa dạy học, vừa trông con. Vất vả, song bà luôn có ý thức dạy các con mình phải chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành người sống có ích cho xã hội. Khi 2 con đến tuổi đi học, bà chọn cách cho Gấm (sinh năm 1969), Doanh (sinh năm 1970) cùng đi học một lớp, một trường. Bà đã chọn cách này cho các con mình trong suốt thời gian đi học THCS, THPT. Bà bảo: 2 chị em cùng lớp, cùng thầy, cùng học một giáo trình, nên việc tôi dạy thêm cho các con học bài ở nhà cũng thuận lợi hơn.
Năm 1978, chồng về nước, Gấm và Doanh đã học xong lớp 2. Chồng bà được Bộ Nông nghiệp - PTNT điều động về Trường Đại học Nông nghiệp 3 (Đại học Nông lâm bây giờ) công tác. Bà kể lại cho chồng nghe về suốt mấy năm đã qua, bà dùng chiếc xe đạp đua cao lênh khênh do ông gửi từ nước ngoài về, bà phải nhờ người hạ khung, cắt nối lại vành và cưa cụt đoạn cong như sừng bò ở cái tay lái. Sau gác ba ga, bà buộc thêm miếng ván để đèo luôn một chuyến 2 đứa con đến trường. Nghe vợ kể chuyện cũ, ông Quắc rơi nước mắt vì thương vợ, con. Vậy là ông đề đạt với Bộ tạo điều kiện cho vợ... hạ sơn, chuyển về công tác cùng cơ quan. Ông Quắc bảo: Tiếng là vợ chồng cùng cơ quan, nhưng vì công việc nên tôi phải đi công tác, đi học biền biệt, hết trong nước lại nước ngoài, việc nuôi dạy con đều trông cậy vào bà ấy.
Là tiến sĩ chăn nuôi, ông có nhiều bài báo cũng như nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp về lĩnh vực chuyên ngành, được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao. Và đúng với ngạn ngữ của người Phương Đông: “Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”. Năm 1991, Ông Quắc được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Đại học Nông lâm; năm 1996 ông được Hội đồng chức danh GS, PGS Nhà nước phong chức danh PGS. Do có nhiều công trình khoa học đóng góp cho lợi ích Quốc gia, chủ yếu là các công trình nghiên cứu về lợn lai kinh tế; chăn nuôi gà thả vườn, nên năm 2000 ông nhận được 2 phần thưởng lớn là Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động.
Khi ông đứng ở đầu đài vinh quang, chìm ngập trong sắc hoa bạn bè mừng tặng, bà Niêm lại lụi cụi vào bếp, đun nước pha trà mời khách, nấu những món ăn chồng thích để chiêu đãi bạn bè. Bù lại, sau những tràng vỗ tay hân hoan của người đời, trở về với cuộc sống riêng gia đình, ông Quắc bao giờ cũng nói lời cảm ơn vợ. Ông bảo: Cuộc đời tôi đã đi qua nhiều nước trên 5 Châu lục. Tôi sử dụng thành thạo các ngôn ngữ Anh, Trung, Hung, Nga... nhưng những phút giây hạnh phúc nhất của cuộc đời, tôi luôn nói với vợ mình bằng ngôn ngữ tiếng Tày. Trong gia đình, bà ấy là người chịu thiệt thòi nhất, chưa bao giờ bước chân ra nước ngoài.
Khi PGS Nguyễn Khánh Quắc, chồng bà như cánh diều no gió bay trên bầu trời, thì bà là sợi dây giữ cho cánh diều bay được trên đó. Hơn thế nữa, 2 người con của bà là Nguyễn Thị Gấm và Nguyễn Khánh Doanh đều có 3 bằng đại học, trong đó người con gái có 2 bằng Đại học Ngoại ngữ, 1 bằng Đại học Kinh tế. Người con trai có bằng cử nhân Y học, cử nhân Ngoại ngữ và cử nhân Kinh tế. Năm 2011, cả 2 được Hội đồng chức danh GS, PGS Nhà nước phong tặng chức danh PGS. Hiện PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thị Gấm và PGS, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Doanh đều đang công tác, giảng dạy ở Trường Đại học Kinh tế Quản trị - Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).
Chiều muộn, mấy đứa cháu nội, ngoại từ trường học trở về, chúng ùa vào lòng bà Niêm mà khoe điểm mười, điểm chín. Nhìn bà cháu tíu tít, tôi thấy bà phúc hậu, hiền từ, suốt một đời chỉ biết chăm lo cho chồng, con. Khi chồng và các con đã trở thành PGS, Tiến sĩ, bà lại hằng ngày đưa các cháu nội, ngoại đến trường. Cần mẫn, tận tuỵ, chính xác như chiếc kim đồng hồ - Và dường như bà sinh ra trong cuộc đời là để được sống cho người khác.