Trong khi nhiều học sinh vẫn xem Lịch sử là môn học “phụ” và khó học thì cô nữ sinh Ngô Thị Thu Hằng (lớp 12 A5, Trường THPT Lê Hồng Phong (Phổ yên) có niềm đam mê với môn học này, và mong muốn trở thành cô giáo dạy Sử.
Thời gian gần đây, trong căn nhà nhỏ ở tiểu khu 6, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên), ngày nào cũng có người đến chia vui với hai mẹ con thủ khoa Ngô Thị Thu Hằng. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hằng đã trở thành tân thủ khoa khối C của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Lịch sử với 24 điểm. Trong đó, môn Lịch sử em đạt 8 điểm. Với bộ môn bị coi là khó học, khó đạt được điểm cao thì điểm số này khiến không ít bạn ngưỡng mộ.
Hằng cho biết: Em thích môn Sử từ những năm học THCS từ những bài giảng sinh động, hấp dẫn của cô giáo. Sang những năm học THPT, những bài học về Lịch sử được mở rộng, nâng cao hơn khiến em càng thích thú tìm hiểu. Điều đặc biệt là trong suốt 7 năm học ở nhà trường thì giáo viên dạy Sử đều là cô giáo chủ nhiệm. Các cô có cách giảng dạy rất cuốn hút, lại quan tâm đến học trò nên em rất ngưỡng mộ. Hơn nữa, mẹ em cũng là cô giáo dạy Sử nên em có thể hỏi hoặc trao đổi với mẹ bất cứ những điều mình còn mơ hồ, thắc mắc. Cứ thế, mẹ và các cô đã truyền lại niềm đam mê môn học này lại cho em.
Được biết, trong các năm ở bậc học THCS đến bậc THPT, Hằng đều tham gia vào đội tuyển của Trường đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh và hầu như năm nào em cũng giành giải cao.
Nói về kinh nghiệm học và thi môn Lịch sử, Hằng cười khiên tốn: Phương pháp học Sử của em là không nên “nhồi nhét” nhiều sự kiện, vấn đề cùng một lúc mà nên học từ từ, học đi học lại để nhớ, hiểu. Trong các bài kiểm tra, thi cử, không nên vội vàng làm bài ngay mà suy nghĩ kỹ yêu cầu của câu hỏi, vạch ra các ý chính và dành thời gian trả lời cho hợp lý nếu không sẽ dễ bị sa đà, dẫn đến mất cân đối. Chẳng hạn, trong đề thi tuyển sinh đại học vừa qua, em rất thích câu hỏi thứ 2. Tuy nó chỉ có 2 điểm nhưng là câu hỏi rất hay, nó yêu cầu thí sinh biết cách phân tích, tổng hợp cả một giai đoạn lịch sử nhưng nhấn mạnh được những sự kiện chính, có ý nghĩa. Nếu người làm bài không biết cách cân đối thì sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó điểm của câu này không nhiều.
Mẹ của cô thủ khoa cho biết: Hằng rất có ý thức tự giác học bài có quyết tâm cao nên tôi chỉ định hướng cho em biết cách phân bổ thời gian học tập và tư duy hợp lý ở từng môn. Riêng đối với môn Lịch sử, Hằng tỏ ra ham thích và thường xuyên trao đổi về bài học, cách làm bài với tôi. Nay, bước đầu em đã đạt được nguyện vọng trở thành cô giáo dạy Sử, tôi rất vui và tự hào.
Hằng mong rằng, với những gì mình sẽ được học tập, rèn luyện và nghiên cứu ở môi trường Đại học Sư phạm sẽ giúp em tìm ra những phương pháp truyền lửa đam mê môn Sử đến học trò sau sau khi đã trở thành cô giáo.