Một ngày tháng 7, ngồi ở UBND xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chúng tôi được nghe các đồng chí cán bộ lãnh đạo xã trò chuyện về những tấm gương thương binh, gương nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực trong cuộc sống. Ông Bùi Ngọc Hải, xóm Sơn Thái là một trong những tấm gương ấy.
Năm 17 tuổi (1970), ông Hải nhập ngũ, đi miết tới năm 1976 mới trở về. Tại quê hương, ông tích cực tham gia các phong trào cơ sở, được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã. Trước nhiệm vụ mới trên mặt trận sản xuất, ông hăng hái, năng động nhưng ông thường bị những cơn đau bất chợt thốc ra từ gan ruột. Ông bảo: Tôi chẳng biết mình bị bệnh gì, mỗi lần cơn đau hành hạ, cả lồng ngực phồng lên, thở dốc. Rồi từng cái răng thi nhau rụng khỏi hàm, vuốt tay lên đầu vơ được cả mớ tóc, cánh tay phải đùn lên thành u mỡ… Nhiều khi bị đau đớn dày vò, gan ruột nóng như có lửa, muốn đập phá, đánh đấm ai đó cho nhẹ người, tôi phải nghiến răng, nuốt nước mắt để kiềm chế. Đỡ lời chồng, vợ ông - bà Bùi Thị Loan cho biết: Không phải bị bệnh hen, suyễn, viêm phổi… mãi cuối năm 2008 cơ quan chức năng Nhà nước có kết luận giám định, ông Hải bị nhiễm chất độc hóa học từ những ngày tham gia mặt trận miền Nam.
Đau ốm, nhưng cuộc sống đời thường không đùa chuyện áo cơm. Ông không tham gia làm đại biểu HĐND xã, thư ký hợp tác xã mà ở hẳn nhà tập trung sức cải tạo gần 2.500 m2 đất vườn bãi trồng cây ăn quả, chăn nuôi thêm đàn gà, lợn cải thiện cuộc sống. Còn bà Loan bê cái chậu nhôm đi buôn bán cá trên dọc ngõ ngoài thị trấn Chùa Hang. Bà tự hào: Cái chậu nhôm ấy nó nuôi sống cả nhà tôi đấy. Chợt bà héo hắt, bảo: Tôi thật thà, 5 lần mang xe đạp đi buôn cá bị trộm lấy mất. Về nhà, nhìn chồng đau bệnh lại càng xót ruột.
Tằn tiện chi tiêu, dần dà vợ chồng ông Hải cũng xây được cái nhà, mấy đứa con cũng khôn lớn, ra ở riêng. Tuy đau ốm nhiều, song ông Hải không chịu ngồi yên, ông tích cực tham gia các hoạt động phong trào cơ sở, năm 2008 đến nay, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Ông cho biết: Xóm Sơn Thái có 80 hộ, 239 nhân khẩu, tiếng là vùng nông thôn nhưng người dân của xóm không có ruộng, bà con chủ yếu kiếm sống bằng nghề khai thác, chế biến đá và chăn nuôi. Trong xóm hiện còn 1 hộ nghèo là gia đình bà Lê Thị Toàn. Bà Toàn không có việc làm ổn định, một mình nuôi 2 con nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Diôxin của xã cho biết thêm: Làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, ông Hải tích cực vận động bà con trong xóm chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Có mặt ở đó, ông Phạm Ngọc Hương, Chi Hội Trưởng Chi hội Cựu chiến binh nhận xét: Ông Hải sống mẫu mực, đặc biệt năm 2009, xóm triển khai làm đường bê tông, dài 870m, rộng 3m, dày 16cm, ông tích cực vận động bà con tham gia đóng góp vốn đối ứng được 124 triệu đồng. Bản thân ông Hải nhiệt tình tham gia giám sát, nhắc nhở bên thi công làm đường bảo đảm chất lượng.
Cuộc sống hằng ngày, ông Hải gần gũi với bà con chòm xóm, ông luôn có mặt kịp thời khi trong xóm có ai đó đau ốm, hoạn nạn. Một số gia đình gặp khó khăn, ông đến nhà bày cho cách phát triển sản xuất, như việc quy hoạch lại vườn bãi, làm vườn cây, hoặc đầu tư vốn cho chăn nuôi gà lợn. Tuy cuộc sống của gia đình ông chưa dư dả nhiều, song ông không ngần ngại giúp đỡ hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về vốn vay không lấy lãi để đầu tư cho sản xuất. Ông Hải cho biết: Xóm còn 1 hộ nghèo là gia đình bà Lê Thị Toàn. Bà Toàn không có việc làm ổn định, thân một mình nuôi 2 con nhỏ. Là bà con chòm xóm, tôi cùng đại diện các chi hội đoàn thể thường xuyên tới nhà thăm nom, động viên chị Toàn cố gắng vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Hiện mẹ con chị Toàn đang sống bằng lưng vốn bán lẻ bánh rán ngoài chợ. Khi rảnh rỗi mẹ con chị đầu tư công sức làm vườn bãi. Nhờ được động viên, khuyến khích đúng lúc, chị Toàn lao động sản xuất có kế hoạch, cuộc sống riêng của chị nhờ đó được cải thiện, nâng cao. Trong xóm, 2 trường hợp nghiện ma túy, ông đến nhà cùng gia đình động viên cho đi cai nghiện… Cũng có lúc nhà này, nhà kia vợ chồng giận dỗi, thậm chí đâm đơn ra tòa đòi ly dị, tôi đến nhà hòa giải thành công, giúp vợ chồng họ trở lại êm ấm.
Nhìn vườn nhãn trước sân nặng trĩu, quả nào cũng mọng ngọt, ông Hải bùi ngùi: Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm nay, nhưng di hại của nó còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. Tôi may mắn có 4 người con được lành lặn. Nhưng các bạn tôi, những hội viên trong Chi Hội Nạn nhân chất độc da cam/Diôxin hằng ngày phải mềm người vì bệnh tật hành hạ. Điển hình như đồng chí Long Thanh Trọng, bị thiểu năng tuần hoàn não, tâm thần nhiều khi bất ổn. 5 người con, 1 trai, 4 gái thì người con trai độc nhất có đôi mắt bị lồi ra ngoài như quả ổi. 5 hội viên còn lại đều là nạn nhân mức 2. Tuổi cao, sức yếu, đau ốm luôn, vì thế chúng tôi thường gần gũi, chăm nom, động viên nhau cố gắng vượt lên đau đớn thể xác để làm một công dân gương mẫu.