Ông Lê Văn Ninh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương có thời gian 5 năm tham gia quân ngũ, từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuất ngũ và trở về địa phương năm 1977, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ngỏ ý tuyển dụng ông vào đào tạo làm cán bộ nguồn nhưng ông lại chọn lĩnh vực kiểm lâm.
Ông Ninh được phân công công tác tại Trạm Kiểm lâm thị trấn Chợ Mới (thuộc Hạt Kiểm lâm Nhân dân huyện Phú Lương). Nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lâm sản trên tuyến Quốc lộ 3, đồng thời kiểm tra việc khai thác lâm sản theo quy định của ngành và tuyên truyền chính sách pháp luật, bảo vệ rừng ở các xã phía Bắc của huyện. Ông kể: “Lúc đó điều kiện làm việc hết sức thiếu thốn, Trạm phải đặt nhờ tại một hộ dân. Hằng tháng, anh em trong Trạm thay phiên đi gùi gạo tại kho lương thực cách đó gần 20 km. Là địa bàn miền núi, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên việc chặt phá rừng để lấy đất trỉa ngô, tra lúa khi ấy còn rất phổ biến, do đó chúng tôi luôn phải tích cực bám bản. Không có phương tiện nên mỗi lần xuống cơ sở, mọi người đều phải đi bộ vài ngày liên tục, ăn ngủ luôn tại nhà dân để tuyên tuyền truyền, vận động. Có lần, đơn vị chúng tôi phối hợp với Lâm trường Phú Lương đi kiểm tra việc phát nương làm rẫy của bà con. Đi bộ liên tục từ xã Như Cố sang xã Bình Văn, rồi đến Thái Lang (một điểm sân bay của thực dân Pháp tại xã Nông Hạ), suốt 3 ngày ròng rã các thành viên trong Đoàn chỉ ăn cơm nắm với muối vừng. Sau mỗi ngày, chúng tôi lại nấu cơm nhờ tại hộ dân rồi cùng nhau nắm cơm để chuẩn bị cho bữa ăn ngày hôm sau. Dù mệt nhoài nhưng nhìn những khoảnh đất được phủ xanh, ai nấy đều hết sức phấn khởi…”
Lập gia đình năm 1979 nhưng do Trạm xa nhà hơn 20km nên hàng tháng ông Ninh chỉ tranh thủ về nhà được một lần. Ông bộc bạch: “Vì đặc thù công việc nên việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, đều dồn lên đôi vai của vợ. Nhưng không vì thế mà bà xã phàn nàn, ngược lại còn luôn luôn động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có hậu phương vững chắc là động lực giúp tôi gắn bó với rừng”.
Năm 1997, ông Ninh cùng 4 cán bộ khác được phân công về công tác tại Trạm Kiểm lâm xã Yên Đổ, quản lý rừng của 4 xã phía Bắc huyện Phú Lương; năm 2005, ông được giao nhiệm vụ là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Đổ; năm 2008, ông được điều chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm thị trấn Giang Tiên, quản lý và bảo vệ rừng ở 5 xã phía Nam của huyện Phú Lương, với diện tích khoảng 3 nghìn ha…
Nhận xét về ông, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phú Lương cho biết: Là cán bộ kiểm lâm, ông Lê Văn Ninh mang trong mình khí chất của một người lính. Không chỉ tận tụy, sâu sát với cơ sở, ông còn thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong Trạm nâng cao tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành tốt hơn công việc được giao. Năm 2012, ông Ninh là 1 trong 3 cá nhân của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên được Tổng cục Kiểm lâm Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Gần 40 năm gắn bó với rừng, ông Ninh đã đúc rút: Quản lý, bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của ngành Kiểm lâm mà là của tất cả mọi người và toàn xã hội. Muốn rừng không bị tàn phá điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người dân, khi họ thấy được lợi ích chính đáng từ rừng, gắn bó với rừng thì tự khắc sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng.