Khát vọng vươn lên của một sinh viên

11:00, 17/02/2014

Trong những ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán, Nguyễn Tuấn Cường, sinh viên K45 Advance Program (Chương trình tiên tiến) của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cũng mang theo sách vở về nhà ở tổ 3, xóm Ninh Hương (xã Lương Sơn, T.P Thái Nguyên) để tranh thủ học thêm. Cường tâm sự: Bố mẹ em luôn căn dặn phải chịu khó học tập để ngày sau lập nghiệp. Vì thế từ 3 năm học THPT, em đều đạt học sinh giỏi, riêng các môn Toán, Lý, Hóa năm nào em cũng đạt từ 9,0 trở lên.

Năm 2009, Cường thi đại học khối A, 3 môn thi được tổng là 21 điểm. Khi nhập học, Cường mạnh dạn đăng ký theo học Chương trình tiên tiến. Theo học chương trình này, Cường và các bạn trong lớp mất 1 năm học tiếng Anh, đạt yêu cầu mới được chuyển sang học các môn chuyên ngành, vì ở chương trình tiên tiến có đến 50% số học phần do giáo sư người nước ngoài trực tiếp giảng dạy.

 

Với Cường, những học trình đầu tiên em gặp không ít khó khăn do hạn chế về ngoại ngữ, song em đã cố gắng học hỏi thêm thầy cô giáo và bạn bè. Nhờ chăm chỉ học tập, lực học của Cường nhanh chóng được nâng cao. Kể từ năm học thứ 2 trở lại đây, điểm thành phần của Cường đều ở mức khá. Cường tâm sự: Em học Cơ khí vì em hiểu cơ khí là lĩnh vực có đóng góp to lớn trong sự phát triển của đất nước. Em theo học Chương trình tiên tiến là để nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của mình, đồng thời coi đó như “chiếc chìa khóa mở cửa căn nhà tri thức”, và đây cũng là cách tốt nhất để sau này em có điều kiện thuận lợi hơn trong cống hiến công sức của mình với đất nước bằng việc nghiên cứu tài liệu khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến, ứng dụng vào Việt Nam.

 

Cũng từ năm đầu nhập học, tuy nhà gần trường, nhưng Cường xin vào ở trong ký túc xá để có điều kiện trải nghiệm cuộc sống. Cường bảo: ở ký túc xá em được rèn luyện thêm các kỹ năng sống, như hòa nhập với bạn bè; cách sử dụng đồng tiền thông qua việc chi tiêu cho bữa ăn ở căng tin; cách phòng, tránh những thói hư tật xấu trong giới trẻ; đặc biệt với em, ở ký túc xá còn là một môi trường tốt trong rèn luyện kỹ năng sử dụng ngoại ngữ… Ngoài việc học tập, Cường còn tích cực tham gia các hoạt động của Nhà trường như tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh; hiến máu tình nguyện. Trong thời gian học tập, Cường còn có một số đề tài khoa học được các giảng viên trong, ngoài nước đánh giá cao, như đề tài khoa học: “Tính toán thiết kế hộp giảm tốc dùng trục vít bánh vít”; “Cải tiến Máy Hàn” và “Chế tạo máy bắn bóng bàn tự  động”.

 

Qua trò chuyện với Cường chúng tôi còn được biết: Dạo trung tuần tháng 1 (từ ngày 10 đến 19-1), Cường cùng các bạn: Dương Văn Chuyền, Trần Tiến Công và Lê Quang Huy đại diện cho Nhà trường sang Bandung (Indonesia) để tham dự cuộc thi IECOM (Industrial Engineering Competition - tạm dịch là cuộc thi về giải pháp kỹ thuật công nghiệp). Tại cuộc thi này, Cường cùng các bạn trong đội đã trải qua 3 phần thi, gồm: Team Quiz; Amazing Race và SME Development (Small Medium Enterprise Development). Cường cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng em tham gia cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế, nên chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa về cấu trúc các phần thi hoàn toàn mới, đòi hỏi kỹ năng hoàn toàn khác so với ngành học của em. Vì thế đội của Trường mới dừng lại ở thành tích “giao lưu, cọ sát và học hỏi” bạn.

 

Cường tự tin, bảo: Đội của Trường đã để lại trong lòng bè bạn quốc tế một ấn tượng đẹp, và qua đó em và các bạn có thêm cơ hội học hỏi phương pháp học tập và giảng dạy tiên tiến bên nước bạn.