Lưu Trường Nam, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Cải Đan (T.X Sông Công) có khuôn mặt khôi ngô, sáng sủa, đôi mắt sáng và cách nói chuyện thông minh. Dù đôi tay và chân bị teo, thân hình nhỏ bé, không đi lại được nhưng 5 năm học vừa qua, em đã luôn cố gắng học tập và liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Đến Trường Tiểu học Cải Đan vào đúng giờ tan học, chúng tôi thấy mẹ Nam đợi sẵn ngoài cửa lớp, bế em lên xe, đưa về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục đưa con đến trường. Chiếc xe máy cũ kỹ được mẹ đặt đệm êm đằng trước để em ngồi. 5 năm nay, Nam vẫn đến trường nhờ đôi chân của mẹ.
Mẹ em, chị Vũ Thị Quý, ở tổ dân phố Nguyên Bẫy, phường Cải Đan có gương mặt khắc khổ, lam lũ nhìn già hơn nhiều so với tuổi 33. Chị kể: Năm 2002, vợ chồng tôi sinh Nam, cháu rất kháu khỉnh, khỏe mạnh. Nhưng 8 tháng tuổi, cháu bị một trận ốm, đôi chân từ đó teo nhỏ và yếu dần.
Vì không có tiền nên 6 tháng sau gia đình mới đưa Nam đi khám thì biết em bị bệnh teo cơ, khó có thể chữa khỏi. Suốt 6 năm, Nam ở nhà, không đi học mẫu giáo. Năm 7 tuổi, nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Nam đòi bố mẹ đưa đến trường. Biết là sẽ vất vả nhưng chiều lòng con, chị Quý đã xin cho con vào học Trường Tiểu học Cải Đan. Ngày 4 lượt, không kể nắng, mưa, chị đưa đón con đến lớp. Hai năm trước, đôi bàn chân của Nam càng bị teo nhỏ lại, cột sống cong vẹo hơn, chị Quý đã đưa con đến điều trị ở các bệnh viện như: Xanh pôn, Bạch Mai (Hà Nội) nhưng không tiến triển. “Gia đình chưa có ai bị bệnh này, mọi người chỉ nghĩ là cháu bị ảnh hưởng gián tiếp từ ông nội - nạn nhân của chất độc da cam” - Chị Quý nói.
Gia đình chị nhiều năm nay là hộ nghèo, bao tiền của đều dành chạy chữa bệnh cho con. Hiện, gia đình chị vẫn ở trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, chẳng có vật dụng nào đáng giá. Nhưng anh chị luôn vui vẻ và động viên nhau cùng cố gắng khi nhìn những tấm Giấy khen của Nam treo ở góc học tập. Chị bảo: Lúc khám bệnh, bác sĩ dặn, không nên cho cháu đi học vì sức khỏe quá yếu nhưng thấy cháu ham học quá, tôi không nỡ.
Khuôn mặt chị bỗng rạng ngời hạnh phúc khi Nam hồn nhiên trả lời câu hỏi của chúng tôi: - Nam thương ai nhất? - Em thương mẹ nhất. Mẹ là người vất vả nhiều vì em.
Không thể ngồi thẳng, hai chân bất động, đôi bàn tay Nam cử động hay bị run nhưng Nam đã khắc phục mọi khó khăn để học tập tốt.
Cô Vũ Thị Hồng Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B nói: Nam là một học sinh ngoan, chăm chỉ, thông minh và học giỏi. Tôi cũng như các giáo viên bộ môn khác đều tạo điều kiện giúp đỡ em. Nam rất tự tin và học tốt môn Toán, Lịch sử. Dù sức khỏe yếu nhưng Nam đi học rất đều đặn, hầu như không nghỉ buổi nào.
Vừa cất sách vở, đồ dùng vào trong cặp cho bạn, em Cao Thị Mỹ Duyên, Lớp trưởng lớp 5B cho biết: Sức khỏe yếu mà Nam vẫn học tốt nên chúng em khâm phục lắm. Trong lớp, Nam rất tích cực giơ tay phát biểu xây dựng bài. Thương bạn không đi lại được, vào giờ ra chơi, chúng em rủ nhau ngồi cạnh, cùng bạn viết bảng, làm toán, vẽ và chơi cờ ca rô để bạn đỡ buồn.
Thông cảm trước hoàn cảnh của Nam, vừa qua, cô Đào Thị Lượt, giáo viên dạy môn Đạo đức cùng gần 40 bạn học sinh của lớp 2A, 2B đã đến lớp trao cho Nam chiếc điện thoại di động để mẹ em dễ dàng liên lạc với Nhà trường. Chuyện là vào buổi học đầu tuần trước, khi dạy bài đạo đức về “Giúp đỡ người khuyết tật”, cô đã phát động các em quyên góp tiền ăn sáng mua điện thoại tặng mẹ con Nam và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh.
Nhận món quà chứa chan tấm lòng thương yêu của các cô giáo và bạn bè, Nam xúc động: Em cảm ơn các thầy, cô giáo và các bạn. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo.
Rồi em hồn nhiên nói: Em rất thích được đi học, luôn cố gắng để không thua kém bạn bè. Trong các môn học, em thích nhất làm Toán. Ngoài giờ học, em thích đọc truyện thiếu nhi và vẽ tranh.
- Nếu cho Nam một điều ước, em ước gì nào?
- Em ước mình có đôi chân khỏe mạnh để chạy nhảy như bạn bè, được chơi bóng đá và là cầu thủ giỏi - Nam cười, đôi mắt trong veo, thơ ngây và đầy lạc quan.