Bạn bè gọi Hoàng Đình Quân, lớp 12A2, Trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình (thủ khoa khối C, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) với cái tên thân mật "thủ khoa chân lấm tay bùn", bởi sau mỗi giờ lên lớp, cậu học trò nghèo lại ra mương, ao, đầm, ruộng mò cua, bắt ốc phụ cha mẹ lấy tiền trang trải cuộc sống.
Tin vui đến với gia đình chị Dương Thị Hiển, anh Hoàng Đình Chỉnh khi nhận được cuộc điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm của con: “Em Hoàng Đình Quân đã đạt thủ khoa khối C với điểm tổng điểm 25,5, trong đó môn Lịch sử đạt điểm 9!”. Nghe xong tin đó, niềm hạnh phúc vỡ òa, chị buông bàn cào cỏ giữa đồng, chạy một mạch về nhà báo tin cho chồng, con”. Chị Hiển tâm sự: Vợ chồng tôi có 4 người con, gia đình mới thoát nghèo hai năm nay, quanh năm làm lụng quần quật cũng chỉ đủ ăn qua ngày, vợ chồng tôi chỉ học hết lớp 7, chẳng có vốn chữ nghĩa để dạy bảo con học hành, nên chỉ mong các con tu chí để học tốt, sau này có kiến thức mà kiếm việc làm. Quân là con út, lại bị khuyết tật bẩm sinh, nuôi cháu vất vả từ khi mới lọt lòng. Cháu Quân luôn tự giác học tập và giúp đỡ cha mẹ sau những buổi tan học về.
Tin Quân đỗ thủ khoa lan nhanh khắp xã, ai cũng vui và đến chúc mừng. Nhiều ngày qua, ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Vũ Chấn, xã Thượng Đình luôn rộn rã tiếng cười. Cậu học trò nghèo Hoàng Đình Quân có thân hình nhỏ thó, nhưng đôi mắt sáng toát lên vẻ thông minh và nụ cười hóm hỉnh, dễ gần. Quân chia sẻ, đến giây phút này cậu vẫn chưa hết ngỡ ngàng với kết quả thi đại học. Bởi lẽ trước, đó em chỉ có gần 2 tháng tự ôn thi và mỗi tuần được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn hệ thống thêm kiến thức. Trong khi đó, các bạn cùng trang lứa được lên thành phố Thái Nguyên ôn luyện tại các trung tâm.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, Quân đã vượt qua nhiều thử thách, đôi lúc mặc cảm về bản thân, cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm chân lấm tay bùn. Chị Hiển kể: Năm 1996, khi sinh Quân, làng quê vừa trải qua trận lũ, mùa màng mất trắng, được hơn một tuần, gia đình thấy cánh tay phải của cháu mềm nhũn, không cử động được. Đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị teo cơ bẩm sinh và yêu cầu phải điều trị. Gia sản còn con bò cày ruộng, cũng phải bán lấy tiền thuốc thang. Hai chuyến đi Hà Nội điều trị trong một tháng hết tiêu con bò, gia đình lại chạy vạy vay mượn họ hàng để điều trị bệnh cho cháu. Kể từ đó, đến khi Quân lên 4 tuổi, hai mẹ con không mấy khi được ở nhà, khi thì chữa trị tại Hà Nội, khi thì lưu trú tại Bệnh viện chỉnh hình của tỉnh. Kiên trì chữa chạy, cánh tay của Quân chũng chỉ cử động nhẹ được và không bị teo, liệt, tất cả mọi hoạt động được chuyển sang cánh tay trái. Đến tuổi đi học, Quân cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Em luôn đạt thành tích cao trong học tập và được chúng bạn nể phục. Sau mỗi buổi tan học về, Quân lại cắp rổ ào ra mương, đầm, mò bắt cua, ốc, trai, hến, tối đến lại đốt đuốc soi tìm ếch để cho cha sớm mai đi chợ bán.
Quân nhớ lại: Hết bậc THCS, bản thân chưa định hình được sẽ chọn học nghề gì nhưng Quân luôn nung nấu một ý chí: Học là để làm người. Muốn vậy phải học được điều hay, lẽ phải, đạo lý. Thế rồi niềm say mê môn Lịch sử, Văn học đến với Quân. Liên tục từ lớp 10 đến lớp 12, Quân đều đạt học sinh tiên tiến, riêng các môn: Văn, Sử, Địa, năm nào cũng đạt điểm số trung bình trên 8,5. Cô giáo chủ nhiệm Trịnh Thị Bình chia sẻ với chúng tôi: Quân là học sinh hiền lành, chăm chỉ. Em có niềm ham mê nghiên cứu các môn xã hội. Sau mỗi giờ học, Quân thường đến Thư viện của Trường tìm đọc sách. Đọc đến đâu, Quân nhớ đến đó. Quân có hai biệt tài là viết tay trái mà chữ rất đẹp, sạch sẽ, tài nữa là có thể tóm tắt bài làm văn xuôi thành thể thơ.
Được biết, gia đình Quân còn có chị gái đang theo học khoa Văn, Đại học Khoa học Thái Nguyên cũng luôn giúp đỡ em trai học tập bằng cách thuê sách rồi photo copy gửi về để em đọc thêm. Nhờ đó Quân đã bổ xung được nhiều kiến thức cho bản thân.