Chiến đấu kiên cường, yêu thương đồng đội

14:52, 17/07/2014

Tôi hơi bất ngờ khi đứng trước căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chật chội ở tổ 18, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ). Ông Châu bảo: nhà tôi xây từ năm 1985, chỉ bằng vôi với cát thôi đấy, anh nào khỏe hẩy một cái có khi đổ.

Lương bộ đội, lại nuôi 7 đứa con, trong đó 3 đứa học đại học ở Hà Nội, được thế là may. Nhưng nhà cũ không phải là điều ông lo nhất, mà là chuyện xin việc cho con gái thứ 5 tốt nghiệp loại Khá Học viện Ngân hàng đã 3 năm nay.

 

Khó quá, xin việc cho con khó hơn đánh giặc, cô ạ - Ông trầm ngâm nói với tôi như vậy.

 

Hai mắt đã gần hỏng, mọi vật chỉ nhìn thấy lờ mờ, nhưng ông Châu có trí nhớ rất tốt. Từng chi tiết nhỏ của các trận chiến ông tham gia cách đây gần nửa thế kỷ, ông vẫn nhớ như in.

 

Sinh năm 1941 ở xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), tròn 20 tuổi chàng trai dân tộc Tày Hoàng Minh Châu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau 2 năm huấn luyện, tháng 7-1963 anh cùng đồng đội hành quân vào Nam, với cương vị là Trung đội phó Trung đội 3, Đại đội 3, Đoàn 545. Tháng 10-1965, Đoàn 545 sáp nhập với Tiểu đoàn đặc công 408, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên từ đó đến năm 1977 ông chuyển ra Bắc công tác.

 

13 năm gắn bó với chiến trường, ông nhớ nhất trận đánh cao điểm Hòn Công, An Khê (Gia Lai) ngày 6/2/1966. Ông là Trung đội trưởng cùng anh em gồng mình leo tường nhảy vào bắt sống khẩu đội đại liên Mỹ. Thấy động, 2 tên lính xông tới bóp cổ và dùng lê đâm vào ngực, ông gạt lưỡi lê, thoi một quả chí mạng vào đối phương. Làm chủ được tình hình, đồng đội của ông tung bộc phá, diệt hoàn toàn lô cốt và 17 tên địch. Trận đánh đó ông được Mặt trận tặng danh hiệu Chiến sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú và Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất. Chỉ cho tôi vết thương ở cổ tay trái gân co lại bùng nhùng, ông bảo: Cú đâm lê của tên lính Mỹ ở cao điểm Hòn Công làm đứt gân. Nhưng chúng tôi thu được lưỡi lê và khẩu đại liên của giặc, giờ trưng bày tại Bảo tàng Bộ Tư lệnh đặc công.

 

Nghe chuyện chiến đấu của ông, nhiều lúc tôi bật cười bởi nhiều lần ông vào sào huyệt địch để đánh, khi trở ra còn mang theo thực phẩm cho đơn vị cải thiện. Ấy là lần ông và đồng đội lọt vào trinh sát cao điểm 810, chuẩn bị trận đánh Trung tâm biệt kích Mỹ ở Gia Lai. Quan sát địa hình xong, ông định quay ra thì mấy tên lính Mỹ xuất hiện. Ông lẩn vào bếp nép cạnh bó củi nứa đứng im như tượng. Bọn chúng nhóm lửa đun nước pha cà phê uống. Lửa cháy to nóng rát nhưng ông vẫn nghiến răng chịu đựng. Uống cà phê xong chúng bỏ ra ngoài. Ông xem đồng hồ tay mới có 2 giờ sáng bèn tìm khắp gian bếp, thấy có con lợn mới luộc bèn cắt lấy vài khoanh, dùng mảnh dù ngụy trang bọc thịt buộc vào người. Chưa kịp quay ra thì kèn báo thức vang lên, bọn lính mở cổng kiểm quân. Hóa ra đồng hồ của ông bị hỏng nên chỉ sai giờ. Trong tình thế ngặt nghèo, ông chạy đến chuồng ngựa nhảy lên lưng một con phi như bay ra cổng. Bọn địch chỉ kịp hô lên “vi xi, vi xi” thì ông đã biến mất. Anh em trong đơn vị đón Trung đội trưởng an toàn trở về cùng bọc thịt lợn và con ngựa chiến lợi phẩm. Lại có trận đánh ông phát hiện trong đồn địch có chõ xôi và con gà. Ông xiên luôn vào lưỡi lê mang ra, mừng chiến thắng anh em quây quần thưởng thức món xôi, gà.

 

Trận đánh Cầu Bông ở cửa ngõ Sài Gòn ông bị thương vào chân nhưng vẫn theo đại quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng Miền nam. Năm 1977 ông được chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái công tác, sau đó được điều về Quân khu 1 làm Phó Phòng Đặc công Quân khu. Năm 1988 ông nghỉ hưu với hàm Đại tá.

 

Sống cùng vợ chồng con trai và 2 cháu nội, ông bà nuôi gà, trồng rau thêm thắt cải thiện bữa cơm gia đình. Gia tài lớn nhất của ông bây giờ là những tấm huân, huy chương, những danh hiệu, huy hiệu luôn được ông nâng niu, gìn giữ.