Tâm hồn ngời sáng

09:51, 01/12/2014

“Khi một cánh cửa khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra” - câu danh ngôn ấy là quan điểm sống của chị. Bệnh tật đã khép cửa sổ tâm hồn, đưa chị vào bóng tối nhưng chị đã quyết tâm vượt qua khó khăn để mở ra cuộc đời tươi sáng. Chị là Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1984, ở tiểu khu 5, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên), hiện đang là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Phổ Yên.

Tôi đã thực sự cảm thấy bất ngờ, ấn tượng bởi sự tự nhiên, tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm và khát khao mãnh liệt về cuộc sống của chị. Chị nói chị là người bình thường, đừng coi chị là người khiếm thị và những việc làm của chị cũng rất bình thường. Chị kể: “Ngày đang học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, chị tham dự Hội khuyết tật của Trường. Vào một buổi gặp mặt, nhiều bạn khuyết tật phát biểu ca ngợi nhau, thể hiện những người bạn của mình là người phi thường khi đã vượt qua khiếm khuyết, tàn tật, học giỏi, sống có ích cho xã hội. Nhưng trong buổi gặp mặt ấy, có một người đã nói rằng: Các bạn đừng nghĩ các bạn là người phi thường, các bạn chỉ là người bình thường như bao người khác và những việc làm của các bạn chỉ có ý nghĩa cho chính các bạn mà thôi. Quan điểm đó phù hợp với tính cách của chị - chị đã sống, học tập, làm việc cho chính bản thân chị và để mọi người hiểu rằng người khiếm thị cũng có thể sống tự lập như những người bình thường khác”.

 

Sinh ra là người mắt sáng, cô học trò Nguyễn Thị Thương được bạn bè, thầy cô rất yêu mến vì thông minh, học giỏi. Môn học được Thương yêu thích nhất là môn Văn và trong 4 năm học THCS, Thương luôn đứng đầu trong các cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn tỉnh. Sau khi học hết THCS, Thương theo bố mẹ vào Đà Lạt sinh sống và học tập. Tuy nhiên, những năm học THPT thật khó khăn với chị khi thị lực giảm dần. Vào kỳ nghỉ hè năm lớp 11, thị lực 2 mắt của chị là 0/10 và 1/10, đi khám tại Hà Nội, chị mới biết chị bị mắc bệnh thoái hoá sắc tố võng mạc, không có cách nào chữa được, dần dần trước mắt chị chỉ là màu đen nhờ nhờ, chị hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, trong thời gian nghỉ ở nhà (Đà Lạt), chị nghe nói tỉnh Thái Nguyên có trường học dành cho người khuyết tật. Chị đã chủ động xin bố mẹ về Thái Nguyên và nhập học Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi Thái Nguyên. Học thành thạo chữ nổi ở Trường, chị tiếp tục được cử đi học lớp cán bộ quản lý công tác hội và sau đó là lớp tin học cho người khiếm thị. Trang bị đủ hành trang, năm 2006, chị đăng ký thi và trúng tuyển vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ngành lưu trữ và quản trị văn phòng.

 

-  Lúc thi đại học chị có được ưu tiên gì không? - Tôi hỏi

-  Không được ưu tiên gì, tôi vẫn thi đề chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ khác là tôi được ngồi phòng riêng, giám thị riêng và làm bài thi trên máy tính. - Chị trả lời.

 

Câu chuyện về quá trình học đại học của chị càng khiến tôi thêm khâm phục. Mặc dù gia đình không quá khó khăn nhưng muốn sống tự lập, chị đã xin vào làm tẩm quất hội người mù tại Hà Nội. Cơ sở làm việc cách Trường 5km và hằng ngày chị bắt xe bus đi học.

 

-  Chị không ngại mọi người dị nghị sao? - Tôi lại thắc mắc.

 

- Tẩm quất hội người mù rất “sạch” vì khách hàng hiểu họ đến chỉ được để tẩm quất, có một số ít khách hàng say rượu, có lời nói, hành động sàm sỡ, tôi yêu cầu họ đổi thái độ hoặc đổi người tẩm quất khác. Mình làm việc trong sạch, bỏ sức lao động kiếm tiền, làm việc có ích thì ngại gì. Tuy nhiên chỉ có một khó khăn nhỏ là khi bắt xe bus đi học, tôi thường nhờ người bên cạnh nhìn hộ số xe bus, nhưng có lần người đó bắt xe bus khác, đi trước quên không bảo lại nên tôi bị lỡ xe, muộn học. - Chị nói.

 

Không chỉ có vậy, quá trình học Đại học, chị thương cũng tích cực tham gia các hoạt động hội, đoàn thể, tình nguyện, viết báo… Tốt nghiệp đại học chị đạt số điểm đứng thứ hai cả lớp, chỉ sau một người cũng là… người mù (Cả lớp có 2 người mù).

 

Hiện nay, chị Thương đang toàn tâm toàn ý cho hoạt động của Hội Người mù huyện Phổ Yên. Công việc hằng ngày của chị bận rộn với các chương trình, dự án triển khai hỗ trợ người mù, vận động người mù tham gia Hội… Trong suốt quá trình học tập, làm việc, chị đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen nhưng chia sẻ với tôi, chị nói: “Tôi thấy tất cả việc mình làm đều bình thường, đều làm cho chính bản thân mình nên việc khen thưởng chỉ là ghi nhận. Hiện nay, xã hội tiên tiến, nhìn nhận về người mù, người khuyết tật đã tiến bộ hơn rất nhiều nhưng tôi vẫn mong muốn mọi người nên cư xử với người khuyết tật như bình thường, tạo điều kiện về học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội và tôi cũng muốn gửi tới những người khuyết tật lời động viên vượt lên khó khăn, coi mình như người không có khuyết tật và hãy sống hết mình, cho chính mình”.