Người cán bộ kiểm ngân liêm khiết

08:50, 21/01/2015

Anh Hoàng Minh Tiến, cán bộ kiểm ngân phòng Tiền tệ - Kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên được nhiều người nhắc đến với tình cảm yêu quý, trân trọng, bởi đức tính liêm khiết và hết lòng vì công việc. Với hơn 20 năm trong nghề, trong đó có gần 12 năm làm thủ quỹ, kiểm ngân đã không biết bao nhiêu lần, anh trả lại tiền thừa cho khách, trong đó có những món lên tới hàng tỷ đồng.

Hiền lành, vui tính là những gì chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với anh. Còn theo nhận xét của nhiều thủ quỹ của các ngân hàng thương mại cũng như những người cùng cơ quan thì anh Tiến là người có tính cách cẩn thận, nhẹ nhàng và là chuyên gia hàng đầu của tỉnh trong việc giám định tiền giả, tiền thật và sửa chữa két sắt.

 

Sinh năm 1961, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, đầu năm 1983, anh được nhận vào làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, với vị trí làm bảo vệ. Với tinh thần và ý thức học hỏi, anh đã lần lượt theo học sơ cấp, trung cấp, rồi đại học ngành ngân hàng. Từ khi học xong trung cấp năm 1993, anh đã được điều chuyển về Phòng Tiền tệ - Kho quỹ, với nhiệm vụ thủ quỹ và gắn bó với phòng từ đó đến nay. Với đặc thù hàng ngày phải tiếp xúc với một lượng lớn tiền mặt, anh Tiến luôn nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là sự trung thực. Anh bảo, ngành, nghề nào cũng phải có đạo đức, với ngành ngân hàng thì đó được xem là tiêu chí số 1. Và nói như anh Lê Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thì vị trí thủ quỹ, kiểm ngân luôn có sự chọn lọc kỹ càng.


Hiện nay, trong vai trò là cán bộ kiểm ngân, công việc chính hàng ngày mà anh Tiến đảm đương đó thu, chi tiền cho khách. Với việc thu, anh có trách nhiệm kiểm tra bảng kê, chứng từ hợp pháp, hợp lệ, rồi giao lại cho thủ quỹ. Còn khi chi ra, anh nhận từ thủ quỹ để giao lại cho khách hàng. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng với số lượng thu, chi trung bình mỗi ngày lên tới hàng trăm tỷ đồng trong khi số lượng nhân viên làm công việc này chỉ có 2-3 người, vừa phải đảm bảo đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu loại tiền, vừa đảm bảo chất lượng, không để tiền giả lọt vào, đồng thời loại bỏ những tờ tiền không còn đủ tiêu chuẩn chất lượng thì đây được xem là công việc không hề đơn giản, cần sự tập trung cao độ.


Nói về kỷ niệm những lần trả lại tiền thừa cho khách, anh Tiến tâm sự: Đối với những người làm thủ quỹ, kiểm ngân nhiều năm như mình thì đó không hiếm gặp. Tuy nhiên, đối với những thủ quỹ mới vào nghề thì việc nộp tiền thừa về Ngân hàng Nhà nước khiến họ không khỏi băn khoăn, lo lắng vì sợ bị cơ quan đánh giá về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi thế, ngoài việc lập các biên bản cần thiết, theo quy định (để tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra đối với số tiền thừa đó), anh lại trong vai trò người chú, người anh nhẹ nhàng động viên để họ không cảm thấy bị áp lực, đồng thời tận tình chỉ bảo thêm kinh nghiệm, kỹ năng giúp họ hạn chế sai sót sau này. Anh Tiến chia sẻ: Có nhiều mã tiền thừa, nếu người nhận tiền cố tình ỉm đi thì người nộp tiền sẽ khó biết phải tìm từ đâu bởi các chứng từ sổ sách đều ăn khớp. Nhưng không vì điều đó mà người thủ quỹ, kiểm ngân được phép lợi dụng để trục lợi cá nhân. Tôi luôn tâm niệm một điều rất đơn giản: Cái gì không phải của mình, thì mình không được phép lấy, mà nếu có cố tình lấy thì cuối cùng cũng sẽ không bao giờ thuộc về mình. Đây cũng là điều mà anh và vợ luôn nhắc nhở, dăn dạy các con mình.
Trong số các lần trả lại tiền thừa, món tiền nhiều nhất mà anh Tiến trả lại cho khách lên tới 2 tỷ đồng vào năm 2014. Chị Nguyễn Thị H, thủ quỹ một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Hàng ngày, tôi đều giao dịch với Ngân hàng Nhà nước, người mà tôi tiếp xúc nhiều nhất là anh Tiến. Đã có lần, tôi được anh trả lại tiền thừa với số lượng khá lớn. Lúc đó, tôi rất sợ, nhưng anh đã nhẹ nhàng động viên để tôi rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trong những lần sau. Trong quá trình giao dịch, anh luôn tận tình chỉ bảo, nhắc nhở những thủ quỹ trẻ như tôi hình thành ý thức cẩn trọng. Còn với anh Dương Mạnh Kiên, công tác cùng phòng với anh Tiến thì bảo: Chú ấy đã truyền cho tôi tình yêu công việc, giúp tôi có thêm kỹ năng, kinh nghiệm trong giao tiếp, nhất là với những khách hàng khó tính. Về khả năng thẩm định tiền giả, tiền thật, chú ấy được mệnh danh là chuyên gia hàng đầu của tỉnh.


Không chỉ là cán bộ kiểm ngân tận tuy, trung thực, anh Tiến còn được các ngân hàng và nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh biết đến với biệt tài “mở két”. Nhiều ngân hàng, đơn vị khi gặp sự cố về két sắt do quên mã số hoặc hóc khóa, đều nhờ đến sự giúp đỡ của anh. Tuy không phải loại két nào anh cũng sửa được, có những két buộc phải phá khóa, nhưng dù thế thì với cách phá khóa khoa học của anh, chiếc két ấy vẫn có thể hàn lại để tiếp tục sử dụng.


Chia tay anh, hình ảnh về người cán bộ kiểm ngân giản dị, mẫn cán và  trung thực khiến lòng tôi ấm áp lạ thường. Anh đã truyền cho tôi tình yêu công việc và nhiều điều tốt đẹp khác mà đôi khi tôi không mấy quan tâm, để ý. Những cán bộ công chức như anh thực sự là những bông hoa đẹp, tô thắm thêm sắc hương cho ngành ngân hàng, cũng như trong cuộc sống hôm nay.