Người có trách nhiệm với cộng đồng

15:13, 26/02/2015

Những đồng tiền người nông dân Nguyễn Thế Quyền ở xóm Kỳ Linh, xã Mỹ Yên (Đại Từ) kiếm được đều chắt chiu từ ruộng lúa, nương chè và những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra hàng ngày.

Tiền kiếm được không nhiều, nhưng ông Quyền lại luôn sẵn lòng giúp đỡ học sinh nghèo, người cao tuổi và góp sức xây dựng các công trình sinh hoạt cộng đồng tại địa phương…

 

Nhiều người dân xã Mỹ Yên đều biết hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Thế Quyền còn nhiều khó khăn. Khoảng 20 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Thế Quyền dựng nhà trên mảnh đất soi bãi gần suối Hu, cách xa khu dân cư, hoang vắng nên chẳng tiện cho sinh hoạt. Vào cảnh đó, với người không kiên trì chắc sẽ bỏ đi nơi khác sinh sống. Vậy mà vợ chồng ông Quyền lại quyết tâm bám trụ, cần mẫn khai phá vùng đất bãi, biến chỗ thấp thành ruộng cấy lúa, nơi cao thành vùng trồng chè. Những vũng bồi dọc bờ suối Hu, vợ chồng ông Quyền đào lấy cát, sỏi, đá bán cho người dân địa phương xây dựng. Vật liệu khai thác bán không hết, ông Quyết mua xi măng, sắt về làm thành cột điện, cống thuỷ lợi, tang giếng, gạch không nung… bán ra thị trường.

 

Ngày tháng trôi qua nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất đã giúp vợ chồng ông Quyền không chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc hàng ngày mà tích cóp để mở mang đất đai, kiến thiết nơi ở. Từ căn nhà lá ngày nào, ông Quyền đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với nhà trên, nhà bếp, xưởng sản xuất, công trình chăn nuôi, bao quanh là những nương chè xanh ngát khiến ai đã đến thăm đều trầm trồ khen ngợi. “Năng nhặt chặt bị” đó là “bí quyết” làm kinh tế của của gia đình nông dân Nguyễn Thế Quyền. Ông Quyền nói với chúng tôi: Ra ở riêng, vốn không có nên vợ chồng tôi phải sử dụng sức lao động để khai thác triệt để những lợi thế khu đất thuộc quyền sử dụng của gia đình. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp không lớn nên tôi phải tằn tiện để mua sắm vật dụng hỗ trợ sản xuất, khi kinh tế có chút dư giả mới bắt đầu kiến thiết. Giờ tôi vẫn cấy lúa lấy gạo ăn và phục vụ chăn nuôi; trồng chè bán lấy tiền phục vụ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn kinh doanh vật liệu xây dựng để tích cóp. Là người khiêm tốn nên ông Quyền không cho biết gia đình mình thu nhập bao nhiêu, chúng tôi có hỏi, ông cũng chỉ cười và nói: Thu nhập tàm tạm!

 

Đây là gia đình nông dân điển hình về tinh thần vượt khó và là một trong những tấm gương về làm kinh tế giỏi tại địa phương. Tuy nhiên, điều chúng tôi được lãnh đạo địa phương, người dân quanh vùng nói nhiều lại là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, biết chia sẻ khó khăn với những em học sinh nghèo, người cao tuổi của ông Quyền. Lúc đầu việc làm từ thiện của ông Quyền là do các tổ chức đoàn thể ở địa phương đến vận động nhưng vài năm gần đây, ông đã chủ động giúp đỡ, hỗ trợ các chương trình từ thiện, xã hội tại địa phương, như: Tặng vở, bút cho học sinh; tặng quà các cháu nhỏ ở địa phương nhân dịp Tết Trung thu; tặng kính lão và hỗ trợ quỹ người cao tuổi của địa phương; hỗ trợ xóm La Yến xây dựng Nhà văn hoá…

 

Số tiền gia đình ông Quyền ủng hộ các chương trình từ thiện và giúp đỡ bà con địa phương không quá lớn nhưng ai cũng cảm động và trân trọng. Chúng tôi cũng rất cảm mến người nông dân này về tinh thần lao động miệt mài và tấm lòng bao dung. Nông thôn trong tỉnh sẽ nhanh đổi mới khi có những nông dân chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm và có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng như ông Nguyễn Thế Quyền.