Giúp người một miếng khi đói hơn cả gói khi no

16:05, 27/03/2015

Hàng chục năm đồng hành với chiếc xe Honda Cub cũ mèm mà chả mấy ai còn sử dụng và chiếc túi chéo cũng cũ như… chiếc xe, ông Lưu Sĩ Mùi, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, nguyên phóng viên Báo Thái Nguyên đã đi đến nhiều xóm, bản nghèo, gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn để làm cầu nối của những tấm lòng sẻ chia trong xã hội.

Chính ông cũng chả nhớ mình đã là cầu nối cho bao nhiêu người chỉ biết là qua ông, đã có hàng tỷ đồng gửi tới người nghèo vượt qua cơn khốn khó, xây những ngôi nhà vững chãi.

 

Tưởng hẹn gặp ông Mùi dễ vì tôi nghĩ ông đã về hưu và hiện chỉ làm công tác Hội nên chắc cũng… nhàn. Nhưng tôi đã nhầm. Lúc thì ông đi trao quà cho bà con nghèo huyện Võ Nhai, khi thì ông dẫn đoàn từ thiện đi tặng quà nạn nhân chất độc da cam ở huyện Phú Lương, có khi ông lại đang ở huyện Phú Bình để ghi nhận hoàn cảnh khó khăn của một nạn nhân chất độc da cam chuẩn bị cho bài viết cộng tác cho chuyên mục “Địa chỉ cho những tấm lòng từ thiện” trên Báo Thái Nguyên. Thậm chí có hôm ông đang ở tít huyện Văn Quan (Lạng Sơn) thăm gia đình cháu bé mồ côi bị tai nạn không có tiền chữa trị, qua cầu nối của ông đã nhận được sự đỡ của hàng chục nhà hảo tâm.

 

Nhà báo Lưu Sĩ Mùi công tác tại Báo Thái Nguyên từ năm 1982 và đến năm 2014 thì ông về nghỉ hưu. Ở tuổi 60, ông có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già nhưng cái “máu” làm từ thiện đã ngấm trong người hàng ông chục năm nay cứ thôi thúc ông lên đường. Không chỉ có thế, ông còn tham gia làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình mình giúp đỡ hơn 10 nghìn nạn nhân chất độc gia cam trên địa bàn tỉnh.

 

Hẹn “năm lần, bẩy lượt” tôi cũng gặp được ông. Ông bảo: “Cháu thông cảm cho chú, giờ chú bận lắm”. Tôi về công tác ở cơ quan Báo Thái Nguyên ngót chục năm là cần ấy năm cánh thanh niên như chúng tôi trân trọng, quý mến gọi ông là “bố Mùi”. Ông cũng vậy, vui vẻ coi chúng tôi như là con, cháu trong nhà. Ông kể, công việc từ thiện của ông bắt đầu từ khi Báo Thái Nguyên thiết lập chuyên mục “Địa chỉ cho những tấm lòng từ thiện” từ những năm 1990. Khi đó, ông là người tham gia viết tích cực cho chuyên mục này. Ông đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, con người thiếu may mắn để viết bài. Những bài viết của ông đăng báo nhận được sự hưởng ứng tích cực từ độc giả. Nhiều độc giả hảo tâm, các câu lạc bộ từ thiện và cả Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chia sẻ, giúp đỡ với những nhân vật trong tác phẩm của ông.

 

Thấy công việc có hiệu quả, giúp ích được cho xã hội, ông càng có động lực và càng “say” đi viết. Có người giới thiệu ở đâu đó có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ là ông lại lên đường đến tận nơi, tìm hiểu hoàn cảnh, phỏng vấn nhân vật, xác minh qua địa phương rồi về cơ quan viết bài đăng báo kêu gọi những người, đơn vị hảo tâm giúp đỡ. Nhiều nhà hảo tâm tìm đến tận Báo Thái Nguyên để gặp và đề nghị ông đưa đường để họ đi làm từ thiện. Qua đó, ông nhận thấy mình không nên bị động chờ các nhà hảo tâm tìm đến mà cần chủ động đến gặp họ. Ông duy trì liên lạc với trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân có tấm lòng từ thiện. Mỗi khi có hoàn cảnh khó khăn tiêu biểu, ông viết bài về họ, song lại chủ động mang báo đến gặp các nhà hảo tâm, đơn vị hảo tâm vận động họ ủng hộ. Ông bảo: Khi đó, nhiều người hỏi chú có thấy “muối mặt” đi xin tiền không? Nhưng thật tình chú không thấy vậy, mình đi làm cho người nghèo, cho xã hội thì đó là việc tốt cơ mà”.

 

Biết được tâm huyết của ông Lưu Sĩ Mùi, nhiều người cũng chủ động tìm đến ông để đăng ký được giúp đỡ những người gặp khó khăn. Qua đó, ông quen với nhiều doanh nghiệp và ông thường xuyên lần tìm thêm địa chỉ để được “chơi” với doanh nghiệp. Ông bảo, mình nhớ nhất dịp năm 2011 đi gặp lãnh đạo một Tập đoàn tài chính thường xuyên làm từ thiện để đề nghị về Thái Nguyên làm từ thiện. Qua câu chuyện của mình, lãnh đạo đơn vị này rất trân trọng và đồng ý về Thái Nguyên dành một số tiền lớn làm từ thiện. Thế là từ đó, giữa mình với doanh nghiệp này như có duyên nợ, cùng đi làm từ thiện, giúp đỡ hàng trăm triệu đồng cho người nghèo, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam khi Tết đến, Xuân về. Năm đó, ông Mùi đã góp phần cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh gây quỹ được tới 2 tỷ đồng dành cho các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.

 

Có lần, ông làm bao người ngỡ ngàng khi dẫn tới hơn mười người đẹp là hoa khôi ở các cuộc thi người đẹp trong nước đi tận Mỏ Ba, Bản Tèn, Cây Thị… những bản người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh giữa trời giá rét để trao những phần quà Tết ấm áp tình người cho người nghèo. Trong hai năm 2012 và 2013, ông Mùi đã vận động các nhà hảo tâm được khoảng 800 triệu đồng hỗ trợ xây được tới 40 ngôi Nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện Phú Bình. Năm 2014, ông đã vận động các nhà tài trợ, hảo tâm hỗ trợ hàng tỷ đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn chữa bệnh như: Anh Dương Thế Bắc, ở xã Kha Sơn (Phú Bình) có khối u nặng gần 10kg trên mặt; chị Dương Thị Xuân ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) có khối u ác ở chân….

 

Để xây Nhà nhân đạo, phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo, cứu trợ, tặng quà Tết…, tiền ông đi “xin hộ” cũng lắm, tiền ông bỏ ra giúp đỡ cũng nhiều. Ông bảo, đi trao nhà cho hộ nghèo để họ kịp đón Tết trong căn nhà mới, khánh thành xong, mở cửa vào thăm chẳng thấy giường ngủ đâu. Vậy là ông lặng lẽ bỏ tiền mua, thuê xe chở đến tận nơi tặng họ; tặng sữa cho một cô gái cơ nhỡ sinh con một mình; có lần, thương cảm trước một gia đình khó khăn ở Phú Bình, chưa vội viết bài kêu gọi những người hảo tâm giúp đỡ, ông đã vét sạch ví, bỏ cả triệu đồng giúp họ để rồi khi “cưỡi” chiếc xe Cub cà tàng trở về nhà mà cứ thầm mong xe không hỏng…

 

Hỏi về tâm niệm khi làm từ thiện, ông bảo: Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào “Hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa, cùng với phong trào ''Tuần lễ vàng''. Người nói: “Nhân dân đang đói… Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, phong trào quyên góp, tổ chức “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu đói”... được phát động mạnh mẽ, chỉ sau một thời gian ngắn số lương thực cứu đói thu được khá nhiều, giải quyết kịp thời nhu cầu bức thiết của đời sống nhân dân. Trong lúc người người, nhà nhà khó khăn như vậy mà lời kêu gọi của Bác Hồ vẫn được hưởng ứng nhiệt tình. Đó là câu chuyện và là bài học vô giá mà mình luôn nhớ. Cuộc đời Người không khi nào không nghĩ về đồng bào đặc biệt là đồng bào khó khăn. Trong xã hội, mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện sống riêng, tình thương yêu, chia sẻ ngọt bùi sẽ làm cho con người gắn bó với nhau hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, giúp người một miếng khi đói hơn cả gói khi người ta no. Nếu ai cũng hiểu được thế thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.