Người phụ nữ tận tụy

08:37, 04/03/2015

Vô tư, hồn nhiên, thích văn nghệ, mê thể thao và có năng khiếu nội trợ… Cuộc sống đời thường, chị dễ mến bởi cách sống chân thành, nhiệt tình và biết lo lắng cho mọi người.

Trong công việc, chị tận tụy, trăn trở và làm việc có trách nhiệm. Ông Phạm Huy Thuyên, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đã nhận xét với chúng tôi về chị Nguyễn Thị Kim Luân, Đội trưởng Đội Môi trường số 2 như vậy.

 

Làm Đội trưởng, song chị Kim Luân không quản ngại việc chổi quyét, xẻng xúc và đẩy xe rác đi vào từng ngõ nhỏ để thu gom những thứ dư thừa người đời ném ra đường. Vì thế, nhiều người dân thuộc địa bàn chị quản lý việc thu gom rác gọi vui: Chị Đội rác. Mới nghe thấy ngang, nhưng lâu dần chị nhận ra đó là lời nói thân thiện của mọi người dành cho chị. Chị bảo: Đặc thù nghề nghiệp, làm đội trưởng Đội Môi trường, không có nghĩa là ngồi bàn giấy, phòng điều hòa nghe báo cáo, mà cũng như mọi công nhân khác trong Đội, ngày - đêm bám đường, bám ngõ làm nhiệm vụ nhặt “phân rơi, rác bẩn”, bảo đảm không để rác tồn đọng, các trục đường lớn - nhỏ luôn sạch sẽ.

 

Chị vào nghề thu gom rác như một duyên nợ. Khi đó, năm 1992, vừa đầy 20 tuổi, sau ngày tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10 năm), bạn bè theo nhau đăng ký thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc xin đi học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nhưng chị lặng lẽ ngồi vào bàn viết đơn xin vào làm việc tại Công ty. Bạn bè thắc mắc: Chị bảo: Tớ thích thế!

 

Vào Đội Môi trường, chị được người quản lý Đội “ấn vào tay” cây chổi dài hơn người, một công cụ lao động cực kỳ quan trọng đối với người làm nghề lao công. Kèm theo cây chổi dài thượt còn có cái xẻng hót rác và chiếc xe thu gom rác đặc chủng. Bài học đầu tiên của nghề là kỹ thuật cầm chổi, cầm xẻng và kỹ năng làm việc hiệu quả, song phải bảo đảm an toàn cho mọi người và cho bản thân mình tại đoạn đường đang làm nhiệm vụ. Chị cho biết: Nghề quyét rác cơ bản là thực hành, song quan trọng là mỗi người phải làm việc hết trách nhiệm thì phố xá mới được sạch, đẹp. 

 

Sau gần 9 năm làm công nhân trực tiếp, chị được lãnh đạo Công ty tín nhiệm giao cho làm Đội trưởng Đội Môi trường số 2. Đội có 50 công nhân, trong đó có 48 nữ. Nhiệm vụ của Đội là quyét, thu gom rác trên các trục đường thuộc 2 phường Trưng Vương và Túc Duyên, gồm đường: Nha Trang, Đội Cấn, Bến Tượng, Nguyễn Du, Hùng Vương… và khu vực sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Ngay sau khi tiếp nhận chức danh Đội trưởng, chị đã họp, lấy ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân trong Đội và tổ chức, xắp xếp lại công việc cho từng người, như chia Đội thành 3 nhóm và bố trí cho từng nhóm, người phụ trách từng đoạn đượng hợp lý, tạo cho công nhân được làm việc gần với nơi minh sinh sống. Chị tâm sự: Hằng ngày ra mặt đường làm nhiệm vụ, với cây chổi tre trên tay, lùa quyét rác gom lại còn là chuyện nhàn thân. Nhưng cực nhất là việc hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà lấy rác. Có trường hợp khi thấy người thu gom rác qua cổng, đã từ tầng trên của ngôi nhà ném xuống cả túi rác. Có trường hợp mang túi rác đổ tung ra đường và kèm theo lời nói miệt thị. Gặp cảnh như vậy, tôi buồn vì trong xã hội còn có nhiều người thiếu ý thức.

 

Giây lát dừng lời, chị chăm chắm đôi mắt nhìn về những xe rác đã chất đầy, xếp hàng dài đợi xe ô tô của Công ty đến mang ra khỏi ngõ phố. Tôi nhìn theo ánh mắt của chị, thấy thấp thoáng những người công nhân đang lặng lẽ quyét đường, xúc từng xẻng rác, nhặt từng viên sỏi rơi vãi trên đường phố. Biết đó là công việc mưu sinh, nhưng hiểm nguy có thể đến bất chợt với họ bất cứ lúc nào. Một lần, chị Đào Thị Hương đang làm nhiệm vụ trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã bị một người đi xe máy đâm vào phải nhập viện. Một lần khác, anh Giang Thanh Sĩ đang dọn rác ở sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã bị một thanh niên vô cớ ném nửa viên gạch vào đầu, máu tràn đỏ vai áo…, may được những người có mặt gần đó gọi công an đến can thiệp kịp thời. Do phải làm việc nhiều ngày trong điều kiện trời mưa, hoặc tiết trời đông lạnh, chị em lăn ra ốm, chị Kim Luân lại nhúc nhắc làm thay cho chị em. Rồi thông báo, hò hẹn cùng đến thăm nom, động viên nhau mau lành bệnh.

 

Chị Kim Luân tiếp tục câu chuyện: Nhờ các bác tổ trưởng dân phố tích cực tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, nhất là việc thực hiện phân loại rác từ nguồn, trong đó có việc nhắc nhở mọi người trong tổ đổ rác đúng giờ; đổ rác đúng nơi quy định, nên đa số người dân đã có ý thức chấp hành tốt hơn, công việc của công nhân trong Đội cũng đỡ cực nhọc hơn.

 

Đó là chuyện thu gom rác, quyét rác hằng ngày. Nhưng vào những dịp Tết, lễ hoặc khi Thành phố tổ chức sự kiện lớn, công việc của Đội càng nặng nhọc, vất vả hơn, bởi lượng rác tăng đến cả chục lần so với ngày thường. Chúng tôi biết: Sau những cuộc vui là những thừa thãi của cuộc đời ném ra đường, ngay cả một bông hồng đẹp của những người yêu nhau, vì chút giận dỗi, họ ném bông hoa xuống đất, thế là thành rác. Những người làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường lại dọn dẹp. Chị Kim Luân kể: Tết năm nào cũng thế, sân Quảng trường có hàng nghìn người dân đến xem bắn pháo bông, pháo hoa, chúng tôi cũng có mặt ở đó, nhưng để chờ đến giây phút giao thừa, mọi người trở về, hả hê chúc tụng, chúng tôi lại mài chổi tre lên mặt đường, mặt sân để dọn đi mọi rác rưởi của đời sống. Để sớm mai từng trục đường, ngõ phố sạch tươm không vụn rác.

 

Bên chiếc xe rác chất đầy lá bánh, túi ni lông và đủ thứ rác bốc mùi hoai hoải, còn có những cành đào tết, giỏ hoa ly từ các ngôi nhà bên phố ném ra đường, chị Kim Luân hồn nhiên khoe: 23 năm làm nghề quyét rác, năm nào tôi và các đồng nghiệp của mình cũng được đón giao thừa ngoài đường. Nhưng năm nay có một chuyện rất vui, vào giờ khắc giao mùa thiêng liêng, mấy chị em đang ngồi ở một góc sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp chúc mừng nhau nhân tân Xuân, một thanh niên đi xe máy đến mừng tuổi cho cả nhóm 1 triệu đồng. Người thanh niên ấy bảo: Các chị vất vả quá, xin chúc các chị một năm mới an khang, hạnh phúc. Cả nhóm chúng tôi đứng lặng đi, cảm động vì hạnh phúc bất ngờ.