Ý chí của một người lính

10:11, 14/08/2015

Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của nó để lại đến giờ vẫn còn hiện hữu. Do chất độc da cam/điôxin vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ của nhiều người dân Việt Nam. Trong số đó, nhiều người đã tự mình vượt lên số phận, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đó là ông Lê Văn Sự, ởi xóm Nước 2, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên).

Ông Lê Văn Sự (sinh năm 1957) quê gốc ở Thanh Hóa. Năm 1973, khi mới 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiến trường B3 rồi sau đó sang chiến trường Campuchia. Đến năm 1993, ông được  phục viên. Do nhiều năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ - đây là một trong những nơi hứng chịu nhiều ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin do Đế quốc Mỹ rải xuống, nên khi trở về quê, ông Sự bị nhiễm chất độc da cam mà không hay biết. Năm 1994, ông Sự cùng vợ con ra Thái Nguyên sinh sống, lúc bấy giờ kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu ra Thái Nguyên, ông đạp xích lô, vợ thì trồng rau, nuôi lợn để sống qua ngày. Với ý chí vượt khó, không cam chịu đói nghèo, sau nhiều năm lam lũ “sáng đi tối về” sống bằng nghề đạp xích lô thuê, năm 1996, ông nhận thấy mặt hàng cót ép ở Thái Nguyên còn hiếm mà ở quê ông thì khá nhiều, ông Sự quyết định vay vốn mở cửa hàng kinh doanh cót ép. Khi vốn liếng dư dả, ông tiếp tục tìm hiểu thị trường và mạnh dạn mở rộng thêm một số mặt hàng vật liệu xây dựng như: xi măng, gạch lát nền, vận chuyển vật liệu xây dựng thuê…

 

Những ngày tháng nghèo khó rồi cũng dần qua đi, việc kinh doanh của cửa hàng ngày một tiến triển thuận lợi, đến nay, ông đã có một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng khang trang. Đồng thời, ông còn mua sắm thêm 2 chiếc ô tô để chủ động trong việc vận chuyển vật liệu. Không chỉ vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ông Sự còn là một công dân luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ở địa phương. Hai người con của ông đều thành đạt trong cuộc sống. Ông được người dân trong xóm tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xóm Nước 2, xã Quyết Thắng. Không phụ lòng tin của mọi người, ông luôn quan tâm đến những người cùng cảnh ngộ, giúp đỡ họ phát triển kinh tế, thăm hỏi, động viên anh em cùng vươn lên trong cuộc sống.

 

Nói về điều này, ông Lê Thanh Bình là hội viên Chi hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin của xóm Nước 2 chia sẻ: Ông  Sự rất nhiệt tình với công việc của làng cũng như của xã, đoàn thể. Luôn giúp đỡ những người già yếu có hoàn cảnh khó khăn, tích cực ủng hộ vật chất, công sức góp phần xây dựng xóm ngày càng phát triển…” Song, khi hỏi ông về những việc làm của mình, ông Sự lại rất khiêm tốn: Mình là người lính nên phải phát huy bản chất của người lính là: siêng năng cần cù; biết  vượt qua khó khăn thử thách, trước hết là để lo cho bản thân, gia đình; sau là có điều kiện quan tâm đến xã hội…”

 

Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: “Ngoài việc kinh doanh giỏi, đồng chí sự còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng chí rất tích cực trong các phong trào làm việc thiện, ủng hộ cho các tổ chức xã hội…”

 

Anh dũng trong chiến đấu, vươn lên trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp cho các phong trào xã hội tại địa phương, ông Lê Văn Sự xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là tấm gương một nạn nhân chất độc màu da cam vượt lên chính mình để mọi người học tập và làm theo.