Vượt qua “nỗi đau da cam”

17:31, 30/03/2016

Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, bản thân bị nhiễm chất độc da cam mức 2, đau đớn hơn nữa khi 2 trong số 7 người con cũng bị di chứng bởi chất độc này, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái, ở xóm Già, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) đã vượt qua những nỗi đau ấy bằng ý chí, nghị lực. Đến nay, gia đình ông đã có mô hình kinh tế tổng hợp đem lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Gây ấn tượng với người đối diện bởi nụ cười hiền lành, dáng người nhanh nhẹn, với chất giọng trầm ấm, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái kéo chúng tôi vào câu chuyện của mình một cách giản dị. Ông sinh năm 1950, quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1961, ông theo gia đình lên Thái Nguyên làm kinh tế mới. Tháng 8-1972, ông lên đường nhập ngũ phục vụ tại Lữ đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Xuất ngũ năm 1976, ông trở về địa phương trong niềm vui, tự hào chiến thắng và hăng hái bước vào mặt trận mới - mặt trận xóa đói giảm nghèo. Năm tháng chiến đấu trong Binh đoàn Trường Sơn, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã tôi luyện cho ông một ý chí sắt đá chiến thắng mọi khó khăn. Tài sản duy nhất lúc bấy giờ của gia đình là một quả đồi trọc mà vợ chồng ông trút hết vốn liếng mới mua được. Hai vợ chồng ông tự tay san đất, dọn quang để trồng mía, trồng cây ăn quả. Cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn, ông tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích đất trồng hoa màu khoảng 2ha và 1 mẫu ruộng cấy lúa.

 

Những tưởng cuộc sống tảo tần cứ vậy trôi đi để đợi mùa thu hái, nhưng thật trớ trêu cho hoàn cảnh gia đình của người lính Trường Sơn năm xưa: 7 người con được sinh ra thì 2 người bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường. Ông Thái nhớ lại: “Bấy giờ chiến trường khốc liệt nên không thể tránh được những trận “mưa” thuốc diệt cỏ mà chúng tôi quen gọi là chất độc da cam. Sau mỗi lần “rải thảm” gần như cả đơn vị bị tê liệt, người thì chảy máu mũi, máu tai, người thì ngất xỉu… nguồn nước uống cũng bị ô nhiễm nặng. Ngày trở về, đôi khi thấy người mệt mỏi, ho ra máu. Trái gió trở trời người đau tê dại, đi lại vô cùng khó khăn. Mỗi khi nhìn thấy những đứa con thơ dại ngơ ngác lớn lên mà vô thức, tôi lại gắng đứng dậy để làm vườn, nuôi gà, chăn lợn để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Tôi luôn ước ao giá như cuộc đời này có thể đổi được, tôi sẵn sàng hy sinh cả trăm lần cuộc đời mình cho con trẻ. Vật lộn với bệnh tật, với hoàn cảnh khó khăn, nhất là còn hai người con bị mất trí nhớ, không thể đi học được, tôi càng gắng gượng đứng dậy để lo toan cuộc sống cho gia đình. Sau này khi được Nhà nước tổ chức khám giám định sức khỏe tôi mới biết rõ về tình trạng sức khỏe, của bản thân và di chứng chất độc da cam của các con mình”.

 

Không cam chịu đói nghèo, ông lao vào sản xuất lao động để có tiền nuôi con. Ông tìm đọc nhiều bài báo, tài liệu nghiên cứu khoa học về trồng trọt, chăn nuôi. Hễ thấy ở đâu có mô hình, giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao là ông tìm đến không quản ngại xa xôi, vất vả. Sau nhiều lần tìm hiểu, ông quyết định lựa chọn giống táo đại 15 để trồng. Ông bỏ ra mấy tháng trời để đến Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Hải Dương) học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc giống táo mới. Năm 2008, ông mạnh dạn đi vay mượn của anh em họ hàng tiền để đầu tư cải tạo vườn và trồng gần 100 gốc táo đại. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, vườn cây của ông đã cho ra những quả ngọt đầu tiên. Thời gian đầu không ai biết đến, nên khó bán, ông phải chở từng xe đi khắp các chợ quanh khu vực thành phố vừa chào hàng, vừa bán lẻ, đôi khi phải đưa vào tận bàn ăn của các nhà hàng. Sau này khi biết táo đại quả to, ngọt, lại được thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn nhập mua. Do được chăm sóc tốt nên vườn táo cho thu hoạch 2,5 tấn/năm, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, mang về cho ông Thái khoảng 60 triệu đồng/năm. Từ việc thành công với cây táo, ông tiếp tục tìm hiểu và trồng thêm giống nhãn Hưng Yên (70 gốc), sẵn có vườn cây ăn quả, ông nuôi thêm 50 đàn ong mật ước tính cho thu nhập 70 triệu đồng/năm. Không những vậy, một mình ông còn loay hoay cả ngày đêm, đào thêm 2 ao tổng diện tích 4.000m2 để thả cá. Ngoài ra, ông Thái còn tìm mua giống lợn rừng, tự tìm hiểu mày mò quy trình chăm sóc, nhân giống. Đến nay, đàn lợn rừng của ông đã lên tới 20 con, đem về cho ông khoảng 50 triệu đồng/năm. Tính ra mô hình kinh tế của ông Thái có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

 

Không chỉ lao động sản xuất giỏi, ông Thái còn tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện, ông là Chi hội Trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc Da cam của xóm. Từ kinh nghiệm sản xuất của mình, ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ và hỗ trợ, cung cấp miễn phí cho hội viên khó khăn về cây, con giống.