Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi biết ông đến nhà bạn bè xin quần áo cũ. Hỏi, ông xin làm gì? Ông bảo, xin để mặc… Nhà ông có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con gái, mặc sao cho hết vài chục nghìn bộ quần, áo ông xin được trong gần mươi năm nay. Mãi rồi tôi mới biết: Ông không xin cho mình, mà xin cho những phận đời không may mắn. Ông là Trịnh Ngọc Sơn, 53 tuổi đời, 33 năm tuổi Đảng, hiện là Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên.
Ông Sơn tâm sự: Sống ở đời, dù giàu hay nghèo cũng “cần có một tấm lòng”, để yêu thương, sẻ chia, chí ít là lời cảm thông với cảnh đời bất hạnh… Lời ông nói giản dị, dễ mến. Nhiều người bảo: Từ lâu, ông cùng lúc đi trên 2 con đường hành thiện, 1 là thông qua tổ chức cơ quan, qua các hội từ thiện và 1 con đường nữa là tự hành thiện theo cách riêng của mình. Cả 2 con đường đều có một điểm đến chung, đó là những địa chỉ nghèo khó cần được giúp đỡ.
Làm Phó Giám đốc một cơ quan lớn của tỉnh, công việc bận rộn, nhưng ông còn gánh trên vai trọng trách nhiều quỹ mang tên từ thiện, như: Quỹ “Vì trái tim cho em” do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phát động; quỹ “Vì trò nghèo, trường nghèo”; chương trình “Xuân mới an vui đến mọi nhà” do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Hội Phật giáo Thái Nguyên tổ chức. Ngoài các quỹ trên, ông còn là người phụ trách một số câu lạc bộ thiện nguyện, đi quyên góp giúp đỡ người nghèo, như Câu lạc bộ Từ thiện Thái Nguyên; Câu lạc bộ Tâm thiện Thái Nguyên. Các quỹ, các chương trình và các câu lạc bộ từ thiện ông trực tiếp huy động được hàng triệu lượt người tham gia/năm, với số tiền quyên góp quỹ đạt hàng tỉ đồng/năm. Từ số tiền này, nhiều bệnh nhân nghèo được sống, nhiều người nghèo có nhà để ở và nhiều em nhỏ có cơ hội đến trường. Ông nói như một đúc kết: “Giọt nước không làm nên được đại dương”, vì thế, làm công tác từ thiện, rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người trong cộng đồng xã hội.
Giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện: Xung quanh tôi có rất nhiều nhà hảo tâm; nhiều cán bộ, người dân và học sinh, sinh viên có tấm lòng từ thiện. Họ biết tôi thường tìm đến với người có hoàn cảnh đặc biệt để sẻ chia với họ khó khăn, thậm chí là sự đau đớn, nên mỗi lần thấy tôi phát động quyên góp ủng hộ người nghèo, đều huy động được sự tham gia ủng hộ của đông đảo người dân và bạn bè. Nhưng tôi biết, trên con đường hành thiện ông đi, không phải dặt những nụ cười, mà gập ghềnh bởi lời pha ngang. Đã không ít lần ông rơi nước mắt vì gặp phải người “ngồi ở vị trí cao” trong xã hội, nhưng lại sống thiếu một chữ tâm. Bù lại, có những bác nông dân đi bán mớ rau, chị lao công nhặt rác bên đường, thấy việc ông làm có ý nghĩa, chẳng ngần ngại, sẵn lòng ủng hộ. Ông bảo: Có quan trọng gì nhiều hay ít, mà quan trọng hơn là ở những tấm lòng dành cho tấm lòng.
Tôi buột miệng hỏi: Nhiều người khi thành đạt, có nhiều tiền mới thực hiện “kế hoạch” quyên góp từ thiện. Còn ông bắt đầu tham gia làm từ thiện từ khi nào? Ông bảo: Khó nhỉ… vì tôi không sinh ra trong một gia đình giàu có; khi lập gia đình lại tự tay “xây dựng cơ đồ”. 2 vợ chồng cùng công chức Nhà nước, lương có hạn, nên phải làm thêm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ trong tuần để có thêm thu nhập. Chính vì bản thân tôi cũng từng sống khó khăn, nên tôi thấu hiểu người nghèo họ cần gì để mình mang đến cho họ, và cho như thế nào để không chạm đáy tự ái của người nhận.
Thế mới hay, việc cho và nhận cũng là một nghĩa cử văn hóa. Và hơn thế, đó là sự rung cảm của con người với con người. Ông Sơn tâm sự: Cuộc sống, tiền đâu phải là tất cả, có thể bằng một lời chia sẻ đúng chỗ cũng có thể cứu rỗi một tâm hồn không lạc lối… Tôi biết, trong cuộc sống xô bồ, có nhiều người xa ngã vào tệ nạn xã hội, được ông khuyên nhủ, động viên đã tỉnh ngộ, từ bỏ thói hư tật xấu, hoàn lương, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ông Sơn có một “cố tật” là thấy việc của người dưng, nhưng lại đau đáu, trăn trở, lao vào cuộc hết mình như lo cho người thân trong gia đình. Ông lấy cho tôi xem tấm ảnh ông đang bế 1 cháu gái có khuôn mặt biến dạng do bị bỏng. Ông nói vừa đủ cho tôi nghe: Cháu Đào Anh Thư, ở xóm Cây Ngái, xã Phúc Lương (Đại Từ)... Tội nghiệp, vừa lên 3 tuổi, cháu đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Hiện cháu đã khá ổn định về sức khỏe. Dự kiến đến cuối năm nay, tôi cho cháu đi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phẫu thuật lại cơ miệng.
Để có tiền phẫu thuật cho bé, ông Sơn lại đi “vay mượn” lòng trắc ẩn cả thiên hạ. Ông đã làm như vậy vì một suy nghĩ giản đơn rằng: Các cháu cần có một cơ thể lành lặn, một tâm hồn trong sáng để bước vào cánh cửa tương lai. “Cái” suy nghĩ thánh thiện ấy đã đưa ông đến với nhiều hoàn cảnh nghèo khó để san sẻ những tấm lòng yêu thương. Như trường hợp cháu Hoàng Thị Phương, xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) bị rắn độc cắn. Do cấp cứu không kịp thời, dẫn đến vết thương bị hoại tử. Khi hay chuyện, ông Sơn vội đến thăm, rồi tìm lương y giỏi, nhờ cứu cho cháu cái chân. Sau nửa tháng điều trị, cháu Phương đã đứng dậy, đi trên đôi chân của mình. Hiện cháu Phương đang học lớp 7, Trường THCS La Hiên.
Tiếng trống khai trường chào năm học mới lại gióng lên, hối thúc bao bé em đến lớp. Nhưng còn đó những cảnh đời do bệnh tật và nghèo khó đã như một sợi dây trói vô hình, cột cuộc đời các em vào sự bất hạnh. Em Dương Thị Lệ, xóm Mong xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cho biết: Cháu bị bệnh tim bẩm sinh, nhờ có bố Sơn đến kịp thời, nên cháu được sống, được tiếp tục đi học.
Khi đó, năm 2012, ông Sơn đến nhà thấy cháu Lệ nằm thoi thóp trên giường. Hàng xóm cho hay: Bố cháu Lệ bị chết trên núi, mẹ chán nản bỏ nhà đi, 3 chị em Lệ ngơ ngác trong đói nghèo, bệnh tật. Để giúp cháu Lệ, ông Sơn đã chắp mối với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện E (Hà Nội) và các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ, giúp cháu Lệ phẫu thuật tim thành công. Vì nhà của Lệ nghèo, nên cũng suốt gần 5 năm nay, ông Sơn đứng ra cưu mang, lo cho 3 chị em Lệ tiếp tục đi học và xin cho chị gái của Lệ vào làm việc tại Công ty May TNG Thái Nguyên. Hiện cháu Lệ đang học lớp 11, Trường Dân tộc nội trú của tỉnh Thái Nguyên.
Lệ là 1 trong 12 trường hợp trẻ em nghèo ở Thái Nguyên được ông Sơn chắp mối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các nhà hảo tâm giúp đỡ phẫu thuật tim thành công. Rồi sau khi các cháu rời giường bệnh, ông Sơn lại “chạy vạy đôn đáo” lo cho các cháu được đi học thuận lợi. Ông Sơn tâm sự: Dù các cháu không do tôi sinh ra, nhưng các cháu cũng cần có một điểm tựa để sống, phấn đấu. Từ suy nghĩ như thế, nên tôi chẳng nề nan khó nhọc, sẵn lòng hạ mình để xin xỏ, chạy vạy, mong cho cháu được vào một trường học thuận lợi hơn. Vậy mà trong trường hợp của cháu Lệ, có rất nhiều người trong xã hội mở lòng giúp đỡ, nhưng một vị lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên luôn tìm cách gây khó. Ức chế lắm, tôi đã phải nhiều ngày chờ trực, và lần nào cũng bã miệng “xin anh” giúp đỡ. Mãi rồi, vị lãnh đạo ấy mới hạ cho một chữ ký để cháu Lệ được chuyển trường theo nguyện vọng.
Ông Sơn - một con người có trái tim thiện nguyện. Dù cuộc sống riêng chưa hẳn đã hết khó khăn, nhưng luôn quan tâm, hướng lòng dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tâm nguyện chia sẻ, giúp đỡ để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.