Gắn bó với nghề làm bún gia truyền

15:23, 12/10/2016

Dù mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại nhưng cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh (sinh năm 1953), ở tổ dân phố số 1, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) vẫn hăng say phát triển kinh tế gia đình với nghề làm bún gia truyền. Cơ sở sản xuất bún của gia đình ông đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất bún rộng hơn 700m2 với hệ thống máy móc (máy vo gạo, máy ủ gạo, xay bột, lắc bột...) được đầu tư đồng bộ, ông Thịnh chia sẻ: Gia đình ông có nghề làm bún gia truyền nổi tiếng ở mảnh đất Hà Tây xưa, đến đời ông đã là đời thứ tư nối nghiệp cha ông. Năm 1978, sau khi xuất ngũ, ông Thịnh trở về làm công nhân tại Nhà máy Y cụ (T.P Sông Công). Đồng lương công nhân ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình nên tranh thủ giờ tan ca, ông cùng vợ là bà Bùi Thị Nga làm bún để giao, bán tại các công trường xây dựng và các chợ lân cận.

 

Là người duy nhất trong gia đình nối nghề của cha ông, hơn 40 năm qua, ông Thịnh đã dành nhiều tâm huyết với nghề. Năm 2014, gia đình ông đã được Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ký hợp đồng cung cấp 3 tấn bún/ngày để phục vụ bữa ăn ca cho công nhân. Hiện nay, một ngày gia đình ông Thịnh cung cấp ra thị trường hơn 4 tấn bún các loại, vào những dịp lễ, Tết thì số đơn hàng còn tăng lên nhiều. Với giá bán dao động từ 7-15 nghìn đồng/kg bún tùy loại, một tháng, gia đình ông thu nhập gần 500 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

 

Để tạo niềm tin với khách hàng cũng như thu hút thêm nhiều đơn hàng mới, mới đây, gia đình ông đã trang bị thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở của gia đình ông Thịnh đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, ông Thịnh đang thành lập một công ty riêng có tên gọi Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Green SoCo. Dự kiến, Công ty sẽ kinh doanh thêm một số mặt hàng (rau xanh, các loại gia vị) nhưng mặt hàng chính vẫn là bún gia truyền. Ông Thịnh chia sẻ: Xác định đây là nghề truyền thống của gia đình nên tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu để giữ được chữ tín với khách hàng. Dù sản phẩm bún của gia đình đã đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng tôi sẽ không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng cũng như giữ được vị ngon gia truyền.

 

Ông Dương Văn Vạn, Tổ phó tổ dân phố số 1 cho biết: Vợ chồng ông Thịnh là một trong những hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi của tổ dân phố. Ông Thịnh không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Hiện, ông đang là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân và Trưởng Ban công tác mặt trận của tổ dân phố. Dù ở cương vị nào, ông Thịnh cũng luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình và luôn quan tâm, giúp đỡ người khác.