Bên khe suối có đàn vịt hơn chục con lặn ngụp tìm mồi, một cậu bé 10 tuổi gầy nhẳng, đen đúa ngồi canh chừng không để vịt lên ruộng phá lúa. Tôi đến bên hỏi chuyện. Cậu bé trả lời: Chừng ấy vịt là cả một gia sản lớn của nhà cháu.
Có mặt ở đó, chị Vũ Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, Trường Tiểu học Phủ Lý (Phú Lương) cho biết: Đó là Triệu Văn Thắng, học sinh của lớp. Thắng thường xuyên được cô - trò của lớp giúp đỡ tiền mua sách vở, quần áo. Thắng toét miệng cười, bảo: Đàn vịt này được mua bằng tiền của bà Hà Thị Thời, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương.
Bà Triệu Thị In (mẹ của Thắng) xúc động nói: Mẹ con tôi với bà Thời chẳng có quan hệ máu thịt gì. Vì biết mẹ con tôi nghèo khó nên bà Thời nhận giúp đỡ, cho cháu 150.000 đồng/tháng để cháu ăn, học.
Nhà bà In ở một ngõ nhỏ thuộc xóm Khuôn Rây, xã Phủ Lý. Ngôi nhà được làm năm 2010 bằng công sức đóng góp của mọi người trong cộng đồng xã hội. Bà In mang vóc dáng của người bị suy dinh dưỡng lâu năm, da mặt nhợt nhạt, thất thần do bệnh thiểu năng trí tuệ. Trong căn nhà nhỏ nhưng rộng hoang hoác vì chẳng có tài sản gì, bà In chẳng biết mời khách ngồi ở đâu để nói chuyện. Bà Thời cho biết: Mẹ con bà In có 2 sào ruộng, một năm thiếu lương thực khoảng 3 tháng, bà con chòm xóm cảm thông thường giúp bơ gạo, bắp ngô ăn qua ngày. Biết hoàn cảnh mẹ con bà như vậy nên tôi nhận giúp đỡ bằng tiền. Vì công việc nhiều, nên hằng tháng tôi mua gạo, nhờ cán bộ chữ thập đỏ cơ sở mang về tận nhà giao cho mẹ con bà.
Làm công tác chữ thập đỏ, nên việc bà Thời nhận giúp đỡ cho một địa chỉ nghèo tiền mua gạo sẽ là một hiển nhiên. Nhưng chuyện đáng kể ở đây là trong gia đình bà, tất cả các thành viên đều tham gia hành thiện. Ông Mông Chí Hồng (chồng bà) hiện đang công tác tại Ban Tổ chức Huyện ủy cũng “thi đua” với vợ, nhận giúp cháu Ma Văn Kiên, học sinh của Trường Tiểu học Yên Trạch I tiền mua gạo, 150.000 đồng/tháng. Ông Hồng kể: Một lần thấy vợ thở dài, nói: Trong cuộc sống bây giờ có nhiều người ăn không hết, nhưng cũng nhiều người chưa có đủ cơm ăn. Tôi nhìn từng hàng tên, địa chỉ, sơ lược hoàn cảnh… toàn những người vì lý do bệnh tật, thiểu năng trí tuệ, không có sức lao động dẫn đến đói nghèo. Ví như trường hợp của cháu Kiên, trong nhà có ông, bà nội già yếu, bố bị tàn tật ở chân, mẹ bị thiểu năng trí tuệ, hằng năm đều thiếu lương thực từ 3 đến 5 tháng. Tôi “thi đua” với vợ nhận được giúp đỡ 1 trường hợp.
Thấy bố mẹ hành thiện bằng cách giúp đỡ học sinh nghèo. Chị Mông Thị Thu Hường, là con gái thứ 2 trong nhà, hiện đang theo học năm thứ 2, Trường Đại học Khoa học và Nhân văn Hà Nội cũng “thi đua” giúp đỡ người nghèo với bố mẹ. Đó là dịp Tết Nguyên đán năm 2017, chị Hường dành toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình đi mua diêm, muối về tự tay đóng gói, mang ra khu vực đền Đuổm bán cho người đi cầu may, cầu phúc. Chị Hường đã sử dụng toàn bộ số tiền gốc và lãi (1.440.000 đồng) để mua được 120 kg gạo, nhờ Hội Chữ thập đỏ huyện chuyển đến giúp đỡ cho 1 học sinh nghèo (10kg/tháng). Chị Hường cho biết: Dù không nhiều, nhưng chí ít mỗi ngày trong xã hội có thêm 1 trẻ em được ăn cơm và tiếp tục cắp sách đến trường.
Bà Thời cho biết thêm: Để có nhiều người đồng hành với mình trên con đường thiện nguyện, tôi lên kế hoạch và bắt đầu đi “gõ cửa” các nhà hảo tâm, vận động giúp đỡ người nghèo bằng tiền hoặc bằng gạo. Tôi xây dựng kế hoạch giúp theo từng năm, trong trường hợp người được giúp thoát nghèo, sẽ vận động nhà hảo tâm giúp sang đối tượng khác. Kết quả từ tháng 1-2017, trên địa bàn huyện có 7 trường hợp được các nhà hảo tâm giúp đỡ bằng tiền (từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng/người); 35 trường hợp được giúp đỡ bằng gạo, 10kg/tháng/người. Các trường hợp được giúp đỡ đều có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như hoàn cảnh bà Phạm Thị Thừa, 67 tuổi, ở tiểu khu Tràng Học, Thị trấn Đu. Gia đình có 7 người thì 4 người bị thiểu năng trí tuệ. Trường hợp cháu Triệu Thị Hoa, ở Phố Giá 2, xã Phấn Mễ, bố chết, mẹ bỏ đi, hiện đang ở với bà nội già yếu, không còn khả năng lao động (2 trường hợp này đều do đồng chí Nguyễn Thị Mai, Bí thư huyện ủy Phú Lương nhận giúp 200.000 đồng/tháng).
Chúng tôi biết trong suốt nhiều năm qua, bà Thời lặng lẽ đi trên con đường hành thiện, kiên trì thuyết phục, vận động và gom lại từng đồng tiền tiết kiệm, tấm áo lành từ bao tấm lòng thảo thơm trong xã hội rồi mang tặng cho những mảnh đời không may mắn. Nhiều cán bộ, giáo viên ở huyện Phú Lương kể: Ngày công tác ở Trường THCS Dương Tự Minh, năm nào bà cũng tổ chức chương trình “Xuân ấm yêu thương” để quyên góp tiền giúp đỡ cho các học trò nghèo có bánh chưng ngày Tết. Cũng bởi năng làm việc thiện, năm 2013, huyện điều động bà về công tác tại Hội Chữ thập đỏ. Nhưng để Hội trở thành nhịp cầu nối giữa những tấm lòng vàng với người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà cùng cộng sự củng cố lại đội ngũ chân rết - Hội Chữ thập đỏ cơ sở. Đến cuối năm 2016, bà có trong tay danh sách hàng trăm trường hợp cần được giúp đỡ về tiền vốn đầu tư sản xuất, về gạo ăn hằng ngày và về kinh nghiệm sản xuất. Trong bà luôn đau đáu một nghĩ suy là làm như thế nào đó để huy động được nhiều người trong xã hội cùng tham gia làm từ thiện, giản đơn là giúp cho người nghèo có bát cơm khi đói, tấm áo ấm khi trời Đông giá, mái nhà nhân đạo cho người nghèo.
Đến bây giờ nhiều người dân còn nhắc nhớ lại dịp Tết Nguyên đán năm 2017, bà vận động các doanh nhân, nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ được hơn 100 triệu đồng. Số tiền này bà mua được hơn 300 suất quà tết tặng người nghèo. Cũng nhân Tết Nguyên đán, bà tổ chức góp gạo, đỗ, thịt nhờ hội viên chữ thập đỏ ở Làng nghề bánh chưng Bờ đậu, gói, luộc được hơn 100 chiếc bánh chưng, trị giá 40.000 đồng/cái để tặng cho người nghèo ăn Tết.
Ở bất cứ đâu, có thể làm việc gì đó để giúp đỡ người khác, bà Thời đều làm ngay mà chẳng toan tính vụ lợi gì. Ngoài giúp đỡ người nghèo bằng tiền, gạo, quần áo ấm, bà 7 lần tham gia hiến máu; chồng bà 4 lần tham gia hiến máu. Bà cho biết: Gia đình tôi có tất cả 4 người, hiện đều đăng ký với Hội Chữ thập đỏ huyện được giúp đỡ địa chỉ nghèo. Ông Hồng (chồng bà Thời) cho biết thêm: Nhân dịp khai giảng năm học mới 2017-2018 vừa rồi, thấy cháu Nguyễn Thị Thúy, học sinh Trường Tiểu học Yên Trạch 2 phải đi bộ gần 4 cây số đến trường. Biết Thúy là con hộ nghèo, tôi mua tặng cháu chiếc xe đạp (trị giá 1,1 triệu đồng). Cháu vui lắm, hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.