Chỉ trong một năm, chị Nguyễn Thị Vân - nhân viên y tế thôn bản của xóm Tân Thành 2, xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã giúp 4 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoàn toàn thoát bệnh và trở về cuộc sống bình thường. Lúc phát hiện bệnh, họ được chuẩn đoán mắc căn bệnh trầm cảm. Đây là bệnh rất dễ mắc phải nhưng nếu không điều trị kịp thời thì nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị đó là một người phụ nữ gần gũi, niềm nở khi có khách đến chơi nhà. Chính sự gần gũi đó mà chị luôn được mọi người trong xóm quý mến, tìm đến nhờ giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Ngoài vai trò là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình thì chị còn là thành viên tích cực của các tổ chức Hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, công tác dân số... Năm 2009, chị tiếp tục tham gia đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của xã Tân Quang, với mong muốn có thể giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giữa năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai Dự án thí điểm mô hình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2018” tại 4 xã, phường, trong đó có xã Tân Quang. Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ Lao động – Thương binh xã hội, nhân viên y tế thôn bản đều được kêu gọi tham gia trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Biết đến Dự án này, chị Vân đã tích cực tham gia. Chị chia sẻ: “Mặc dù công việc này rất khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và bỏ ra nhiều thời gian, công sức, nhưng thấy những người bị bệnh lúc nào cũng thường trực tâm trạng buồn bã đã khiến tôi quyết tâm giúp họ thoát bệnh”.
Vào thời điểm đó ở xóm có 4 bệnh nhân đều là phụ nữ, mỗi người bị bệnh đều có những lý do riêng: người bị sang chấn tâm lý do chứng kiến cái chết của đôi vợ chồng gặp tai nạn giao thông; người bị trầm cảm do công việc không ổn định, không đủ tiền lo cho cuộc sống gia đình, con cái ăn học… Chia sẻ về quá trình giúp họ vượt qua căn bệnh, chị Vân không cầm được nước mắt: “Trong 4 người bệnh, có một chị tôi chơi rất thân. Từ sau khi con trai bị tử hình vì phạm tội giết người, chị ấy lúc nào cũng buồn bã, khóc lóc, thu mình với mọi người xung quanh. Sau khi hiểu được nguyên nhân dẫn đến căn bệnh, tôi bắt đầu áp dụng những kĩ năng kiểm soát trầm cảm học được trong các buổi tập huấn của dự án. Tất cả các buổi sáng và tối của tháng đầu tiên, tôi đến nhà rủ chị đi bộ để nói chuyện cho vơi bớt nỗi buồn, cũng như xóa bỏ sự tủi hổ khi gặp bà con hàng xóm. Thời gian sau đó, tôi thường xuyên đến nhà khuyên nhủ và động viên chị làm một công việc gì đó như: nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau. Điều này vừa giúp chị tạo được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, vừa có thể quên đi những nỗi đau đã trải qua. Quá trình điều trị đều được tôi đề ra kế hoạch cụ thể và ghi lại trong sổ tay khám bệnh dành riêng cho bệnh nhân trầm cảm. Kết quả chỉ trong 3 tháng, chị ấy đã giải tỏa được lo âu, lạc quan hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đầu năm 2017, chị được bầu làm Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh xóm”.
Chị Vân cho biết thêm: “Những người bị bệnh thường có thói quen dùng thuốc cho nhanh nên không muốn hợp tác. Thời gian đầu, việc liên lạc hẹn gặp với các bệnh nhân rất khó khăn, nhưng không vì thế mà tôi nản lòng. Những ngày tiếp theo, tôi tiếp tục gọi điện hoặc đến nhà hỏi thăm, thuyết phục, đến khi nào họ đồng ý điều trị mới thôi. Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, tôi vẫn thường xuyên hỏi han, trò chuyện để đảm bảo họ không bị tái bệnh”.
Chị Nguyễn Thị Vân, Trạm phó Trạm y tế xã Tân Quang (T.P Sông Công) cho biết: “Chị Vân là người năng nổ, nhiệt tình. Mọi công việc được giao, chị đều hoàn thành nhanh chóng, không bao giờ bỏ bê hay phải nhắc nhở. Trong quá trình thực hiện dự án, sau bước sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm trên địa bàn thí điểm, cả xã Tân Quang có 15 trường hợp mắc bệnh trầm cảm. Xóm do chị Vân phụ trách có nhiều bệnh nhân mắc bệnh, nhưng lại thoát bệnh sớm nhất”.
Được biết, dự án thí điểm mô hình “Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai. Mục tiêu của mô hình là để huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Theo kế hoạch, 4 xã/phường gồm Thắng Lợi, Tân Quang (T.P Sông Công) và Động Đạt, Yên Lạc (Huyện Phú Lương) được chọn thí điểm. Những nhân viên y tế thôn bản tham gia trên địa bàn đó sẽ phụ trách các bệnh nhân bị trầm cảm nhẹ và trực tiếp điều trị cho họ. Phương pháp chữa trị chủ yếu là nói chuyện, chia sẻ với người bệnh, chứ không dùng thuốc. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2.
Áp lực cuộc sống trong xã hội hiện đại đã khiến cho số lượng bệnh nhân trầm cảm có xu hướng tăng nhanh. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ có những hành vi gây rối, không tự chủ được, dễ gây thương tích cho bản thân và người xung quanh. Bởi vậy, cần lắm những người như chị Vân, luôn sẵn sàng dành thời gian chia sẻ nỗi đau cho những người do hoàn cảnh mà mắc phải căn bệnh này, để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.